Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Ninh Bình cần tích cực đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động; có tầm nhìn mới về một Ninh Bình phát triển trong thời kỳ mới.
Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sáng 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc với chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng."
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự Đại hội có nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực; đại biểu các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.
Đại hội có sự tham gia của 339 đại biểu, đại diện cho đảng viên toàn Đảng bộ.
Tầm nhìn mới phát triển trong thời kỳ mới
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu quan trọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiệm kỳ vừa qua.
Ông Trần Quốc Vượng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ như so với các địa phương trong cùng khu vực đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua còn thấp; thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu. Thu hút đầu tư còn hạn chế; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều. Thu ngân sách tăng cao, nhưng chưa thật bền vững. Tăng trưởng nông nghiệp chưa thể hiện rõ hướng hiện đại. Phát triển kinh tế biển còn hạn chế...
Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh Ninh Bình cần tích cực đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; có tầm nhìn mới về một Ninh Bình phát triển trong thời kỳ mới; nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về những tiềm năng, thế mạnh đặc thù và lợi thế so sánh của Ninh Bình; xác định động lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới là phát triển công nghiệp phụ trợ, du lịch chất lượng cao và dịch vụ. Trước hết, tỉnh cần sớm xây dựng thật tốt Quy hoạch Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng, kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa, Ninh Bình cần đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng.
Ông Trần Quốc Vượng nêu rõ Ninh Bình phải hết sức coi trọng giữ gìn và bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái "xanh, sạch, đẹp," chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai.
Cùng với đó, tỉnh phải chú trọng phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, bảo đảm tốt an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.
[Ninh Bình phấn đấu trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng]
Ninh Bình cần thực hiện sâu sắc hơn và phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây chính là nguồn lực quan trọng của tỉnh và quốc gia; là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh và cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, nhất là về du lịch, đưa tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước.
Ông Trần Quốc Vượng cho rằng Ninh Bình là tỉnh có vị trí chiến lược, đặc biệt trọng yếu về quốc phòng, do vậy, tỉnh cần hết sức chăm lo xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển...
Đảng bộ Ninh Bình phải quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Ninh Bình đề ra nhiều mục tiêu chủ yếu như: tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,5%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 25.500 tỷ đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.000 tỷ đồng trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.200 triệu USD. Số khách du lịch đạt 8-9 triệu lượt người; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.
Trong nhiệm kỳ, Ninh Bình phấn đấu giảm 2/3 số hộ nghèo, đến năm 2025 tỷ lệ thất nghiệp dưới 2%/năm. Tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2024; đến năm 2025 có 25% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Để đạt được các mục tiêu chủ yếu kể trên, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình xác định 3 khâu đột phá bao gồm: Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấc cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nhất là hạ tầng du lịch. Tỉnh cũng đề ra 6 chương trình trọng tâm; 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng phát biểu khai mạc Đại hội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu đề ra, trong đó 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức. Kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2015-2020 đạt 8,03%/năm, vượt mục tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách tăng nhanh cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, hết năm 2020, dự kiến có 106/116 xã (chiếm 91,4%) và 3 huyện là Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới, riêng thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển năng động, có nhiều sản phẩm du lịch mới, từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu trong nước, quốc tế và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt nhiều kết quả. Công tác phát triển Đảng được chú trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng Công giáo. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong hai ngày (21-22/10)./.
[Photo] Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII
Đức Phương / (TTXVN/Vietnam+)