Phát biểu - Tham luận

Xem thêm
1930
Trần Phú
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam
1935
Lê Hồng Phong
Đại hội Đảng lần thứ I
Chống đế quốc, chống chiến tranh
I
1951
Hồ Chí Minh
Đại hội Đảng lần thứ II
Kháng chiến, kiến quốc
II
1960
Lê Duẩn
Đại hội Đảng lần thứ III
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà
III
1976
Lê Duẩn
Đại hội Đảng lần thứ IV
Hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội
IV
1982
Lê Duẩn
Đại hội Đảng lần thứ V
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa
V
1986
Nguyễn Văn Linh
Đại hội Đảng lần thứ VI
Quyết tâm đổi mới
VI
1991
Đỗ Mười
Đại hội Đảng lần thứ VII
Tiếp tục công cuộc đổi mới đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa
VII
1996
Đỗ Mười
Đại hội Đảng lần thứ VIII
Tiếp tục đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
VIII
2001
Nông Đức Mạnh
Đại hội Đảng lần thứ IX
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
IX
2006
Nông Đức Mạnh
Đại hội Đảng lần thứ X
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển
X
2011
Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)
Đại hội Đảng lần thứ XI
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước
XI
2016
Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)
Đại hội Đảng lần thứ XII
Tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh
XII
2021
Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)
Đại hội Đảng lần thứ XIII
Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển
XIII
Hội nghị thành lập
Đảng Cộng sản
Việt Nam
Thời gian: 6/1 đến đầu tháng 2/1930
Địa điểm: Hồng Kông (Trung Quốc)
Hội nghị
lần thứ nhất
Ban Chấp Hành
trung ương Đảng
Thời gian: 14 đến 31/10/1930
Địa điểm: Hồng Kông (Trung Quốc)
Mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Bối cảnh chung

- Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kết thúc, các nước TBCN bước vào thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định cục bộ (1919-1929), sau đó lâm vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện (1929-1933). Giai cấp tư sản cầm quyền tiếp tục thực hiện chính sách: tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước, đồng thời đẩy mạnh đàn áp, khai thác bóc lột các nước thuộc địa.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, chủ nghĩa Mác-Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người: giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc.

Phong trào đấu tranh chống đế quốc chủ nghĩa ở các nước tư bản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa diễn ra mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, các Đảng Cộng sản được thành lập ở nhiều nước, từng bước vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng.

- Tại Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai nhằm bóc lột, vơ vét của cải. Xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc, trong đó giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp diễn ra gay gắt, trong đó nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản: giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai; giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.

Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng.

Từ ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930, Hội nghị họp tại Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng.

Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đó là nền tảng quan trọng xây dựng nên đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta.

Hội nghị quyết định chủ chương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội Phản đế. Theo đó, Công hội và Nông hội thu hút những công nhân và nông dân không thể kết nạp vào Đảng. Các tầng lớp trí thức tiểu tư sản vào Hội Phản đế.

Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một đảng cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam; là kết quả tất yếu của sự kết hợp lý luận giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960 quyết nghị "từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng".

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có ý nghĩa như một Đại hội cũng tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc), do đồng chí Trần Phú chủ trì, quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua bản Luận cương chính trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 7 đồng chí: Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Lê Mao, Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc, A Lầu (Lưu Lập Đạo), Ngô Đức Trì. Đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trực tiếp là đối với cao trào cách mạng 1930-1931.

Tình hình trong nước
6/1925: Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (HVNCMTN) tại Quảng Châu; tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ chuẩn bị thành lập chính đảng của giai cấp công nhân. Đến năm 1929, HVNCMTN có sự phân hóa thành hai tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929) và An Nam Cộng sản Đảng (8/1929).
25/12/1927: Việt Nam quốc dân Đảng thành lập, tiêu biểu cho đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Ngày 9/2/1930, Đảng này phát động cuộc khởi nghĩa Yên Bái, song thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp.
7/1928: Tân Việt cách mạng Đảng thành lập, tập hợp trí thức và thanh niên tiểu tư sản, đấu tranh theo khuynh hướng vô sản. Đến năm 1929, tổ chức có sự phân hóa và thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn tháng (9/1929).
27/10/1929: Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, yêu cầu ba tổ chức cộng sản chấm dứt sự chia rẽ, đồng thời xúc tiến hợp nhất thành một đảng duy nhất để lãnh đạo cách mạng.
1929 đến 1930: Nhiều cuộc đấu tranh, bãi công của công nhân diễn ra trên cả nước. Điển hình là cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng (3/2/1930); cuộc bãi công của hơn 4.000 công nhân Nhà máy sợi Nam Định (25/3 - 16/4/1930); cuộc biểu tình của 20.000 nông dân Thanh Chương, Nghệ An (1/9/1930)...
17/3/1930: Thành ủy Hà Nội ra đời. Tiếp sau đó, nhiều Đảng bộ, chi bộ đầu tiên ở các tỉnh thành được thành lập.
Tình hình quốc tế
1917: Cách mạng tháng Mười Nga thành công, trở thành chỗ dựa trung tâm của phong trào các mạng thế giới. Đến tháng 3/1919, V.I. Lênin đã thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ở Matxcơva nhằm chỉ đạo, giúp đỡ thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong đó có Việt Nam.
1920 đến 1929: Sự ra đời và hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp (từ 1920), Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ 1921) có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng giải phóng dân tộc. Phong trào công nhân thế giới phát triển, tiêu biểu: cuộc tổng bãi công ở Pháp thu hút 90 vạn người (10/1925), tổng bãi công ở Anh thu hút 5 triệu người (5/1926).
1929-1933: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra đầu tiên ở Mỹ (do “hiệu ứng domino” của cuộc khủng hoảng ở Wall Street) rồi lan nhanh sang các nước tư bản khác. Ngày 29/10/1929, trở thành "Ngày thứ ba đen tối” ở Wall Street.
12/1929: Jawaharlal Nehru được bầu làm Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ. Ông là nhà lãnh đạo xuất sắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân Anh và giành lại nền độc lập cho Ấn Độ (8/1947), đồng thời ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, chống áp bức ở các nước châu Á, châu Phi.
Đại hội
đảng
lần
thứ I
Thời gian: 27/03 đến 31/03/1935
Địa điểm: Ma Cao, Trung Quốc
Số lượng đại biểu: 13
Số lượng đảng viên: 600
Chống đế quốc, chống chiến tranh

Bối cảnh chung

- Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục phát triển có lợi cho cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.

Những thành tựu to lớn về mọi mặt của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô có tác động to lớn tới phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.

Các nước tư bản chủ nghĩa tìm cách vượt qua  cuộc khủng hoảng theo hai con đường cơ bản khác nhau: phát xít hóa chế độ chính trị, ráo riết chuẩn bị chiến tranh (Đức, Italy, Nhật) và tiến hành cải cách kinh tế-xã hội (Anh, Pháp, Mỹ). Chủ nghĩa phát xít là mối đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

- Ở Đông Dương, phong trào đấu tranh của công nhân đã từng bước hồi phục. Các tầng lớp nhân dân ở thành thị và nông thôn tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức như: bãi khoá của học sinh, bãi thị của thương nhân, biểu tình chống thuế của nông dân.

- Các tổ chức Đảng từng bước hồi phục sau các cuộc khủng bố trắng.

Đại hội lần thứ I của Đảng đánh giá tình hình thế giới và trong nước, nêu bật những thành công của Liên Xô và phong trào cách mạng của nhân dân lao động nhiều nước trên thế giới, khẳng định chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử.

Đại hội nhận định hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục và phong trào cách mạng có tiến triển. Các cuộc đấu tranh của quần chúng trong hai năm qua đều giành được thắng lợi ở mức độ khác nhau.

Đại hội nêu 3 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng trong thời gian trước mắt:

+ Củng cố và phát triển Đảng;

+ Thu phục quảng đại quần chúng;

+ Chống chiến tranh đế quốc.

Lần đầu tiên, Đại hội đã ra một loạt các Nghị quyết hết sức quan trọng để tập hợp lực lượng, xây dựng phong trào quần chúng: Nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, thanh niên; về công tác liên minh phản đế; về công tác trong các dân tộc thiểu số; về đội tự vệ và cứu tế đỏ.

Đại hội thông qua Điều lệ Đảng và điều lệ các tổ chức quần chúng của Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư. Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Pác Bó (Cao Bằng) đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, thống nhất được phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, tạo điều kiện để phong trào cách mạng bước vào thời kỳ đấu tranh mới.

Tình hình trong nước
1931-1935: Ở Bắc Kỳ có 551 cuộc đấu tranh của công nhân.
1934: Thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu.
Cuối 1934 và đầu 1935: Các xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ,  Bắc Kỳ lần lượt được thành lập lại.
1934: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô học tập tại Trường Quốc tế Lênin.
1935: Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng và Quốc tế Lao động, tại nhiều tỉnh, thành xuất hiện lá cờ đỏ búa liềm, truyền đơn đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu thuế, ủng hộ Liên Xô, đánh đổ đế quốc Pháp…
Tình hình quốc tế
30/1/1933, Hitler (đứng đầu đảng phát xít) trở thành Thủ tướng Đức, mở đầu thời kỳ đen tối của nước Đức.
1934: Liên Xô tham gia Hội Quốc liên.
7/1934: Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp thành lập Mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa phát xít ở Pháp.
25/7 đến 20/8/1935: Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII họp tại Liên Xô, xác định kẻ thù trước  mắt, nhiệm vụ đấu tranh, quyết định thành lập Mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, giữ gìn hòa bình. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong làm Trưởng đoàn tham dự cùng 65 đoàn đại biểu Đảng Cộng sản trên thế giới. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang học tập, nghiên cứu tại trường Quốc tế Lênin được mời dự.
10/1935: Chính phủ phát xít Italy do Mussolini đứng đầu tiến hành xâm lược Ethiopia.
Đại hội
đảng
lần
thứ II
Thời gian: 11/02 đến 19/02/1951
Địa điểm: Xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
Số lượng đại biểu: 158
Số lượng đảng viên: 766.349
Kháng chiến, kiến quốc

Bối cảnh chung

- Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đã được củng cố và tăng cường về mọi mặt.

Phong trào giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục phát triển.

Phong trào bảo vệ hoà bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.

Thế giới hình thành “trật tự hai cực”, trong đó Mỹ và Liên Xô phân chia phạm vi ảnh hưởng rộng lớn nhất.

Mỹ và các nước phương Tây phát động “Chiến tranh lạnh” nhằm chống lại phe XHCN. Thế giới diễn ra cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc, nhất là giữa Liên Xô và Mỹ.

Ở Đông Dương, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp và quân đội bù nhìn, can thiệp sâu vào chiến tranh xâm lược, sẵn sàng thay chân thực dân Pháp.

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta có sự phát triển toàn diện, nhận được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ tích cực của phe XHCN. Đặc biệt từ sau chiến thắng Biên giới 1950, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phản công và tiến công.

Căn cứ vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ tổ chức kháng chiến của ba dân tộc Đông Dương, Đại hội quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng riêng biệt có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm mỗi nước. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân.

       Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là:

+ Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

+ Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội tổng kết quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng.

Ban Chấp hành Trung ương của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 Ủy viên chính thức: đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một Ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng.

Tình hình trong nước
+ 9/1/1950: Hơn 3.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn xuống đường biểu tình lên án đế quốc và tay sai; Tháng 2/1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tại Việt Bắc quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.
+ 19/3/1950: Hơn 30 vạn nhân dân Sài Gòn-Gia Định biểu tình chống tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn.
14/1/1950: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố về đường lối ngoại giao. Từ đây, các nước XHCN lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: Trung Quốc (18/1/1950), Liên Xô (30/1/1950), CHDCND Triều Tiên (31/1/1950), Tiệp Khắc (2/2/1950), CHDC Đức (2/2/1950)...
19/1/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, viện trợ quốc tế cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
16/9/1950 đến 17/10/1950: Ta mở Chiến dịch Biên giới giành thắng lợi to lớn, “phá vòng vây” mở ra bước ngoặt phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
12/1950: Được đế quốc Mỹ hậu thuẫn, thực dân Pháp cử tướng Đờ Lat đơ Tátxinhi sang làm Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, đề ra kế hoạch chiến tranh xâm lược mới.
3 đến 7/3/1951: Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt).
11/3/1951: Báo Nhân Dân ra số đầu tiên.
11/3/1951: Thành lập Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
3/3/1951: Đảng Lao động Việt Nam ra mắt quốc dân. Hồ Chủ tịch phát biểu.
6/5/1951: Thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
1951-1953: Trung ương Đảng hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, quyết định nhiều vấn đề cụ thể thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tình hình quốc tế
26/1/1950: Ấn Độ tuyên bố thành lập nước cộng hòa
14/2/1950: Ký Hiệp ước hữu nghị liên minh và tương trợ Liên Xô-Trung Quốc: Hiệp ước có giá trị trong 30 năm.
4/1950: Ủy ban Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc Campuchia và Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương Campuchia được thành lập. Ngày 13/8/1950, Chính phủ kháng chiến Lào được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Đông Dương.
25/6/1950: Chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên bùng nổ.
27/6/1950: Tổng thống Hòa Kỳ H.Truman tuyên bố tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bao gồm việc gửi các đoàn cố vấn quân sự và cung cấp vũ khí.
11/1950: Hội nghị hòa bình thế giới lần thứ hai (tổ chức tại Vacxava, Ba Lan). Hội nghị thông qua nghị quyết đòi chủ nghĩa đế quốc chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và Triều Tiên. Chính phủ Việt Nam cử đoàn đại biểu tham gia dự Hội nghị.
23/12/1950: Mỹ gây sức ép buộc Pháp ký Hiệp ước phòng thủ 5 bên, gồm: Mỹ, Pháp và ba chính phủ bù nhìn ở Đông Dương, mở đường cho Mỹ có thể can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương.
28/6/1951: Thành lập Đảng Nhân dân Campuchia.
4 đến 8/9/1951: Hội nghị San Francisco (Mỹ) được tổ chức, có đại diện 51 nước tham dự để  để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến.
+ Tại Hội nghị này,  trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam là Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại. Sự kiện đó chứng tỏ Hội nghị San Francisco đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
+ 8/9/1951: Mỹ và Nhật ký hòa ước San Francisco và Hiệp ước đảm bảo an ninh Nhật-Mỹ.
Đại hội
đảng
lần
thứ III
Thời gian: 05/09 đến 10/09/1960
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 525
Số lượng đảng viên: 500.000
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà

Bối cảnh chung

- Hệ thống XHCN thế giới do Liên Xô đứng đầu đã lớn mạnh vượt bậc có ảnh hưởng sâu rộng trong quan hệ quốc tế, giữ vai trò quyết định đến giữ gìn hòa bình an ninh thế giới; tạo ra những thuận lợi mới cho phong trào cách mạng các nước.

-  Ở Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Hiệp định Geneva được ký kết (21/7/1954), hòa bình được lập lại ở Đông Dương. Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền.

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN và trở thành cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai diễn ra quyết liệt.

Căn cứ vào đặc điểm đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền (miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn chịu sự cai trị của chủ nghĩa đế quốc và tay sai), Đại hội đề ra đường lối chung cho cách mạng Việt Nam: đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III chỉ rõ:

Hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, mỗi nhiệm vụ nhằm giải quyết yêu cầu cụ thể của mỗi miền trong hoàn cảnh nước nhà tạm bị chia cắt làm hai. Song hai nhiệm vụ đó trước mắt đều có một mục tiêu chung là thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Miền Bắc là căn cứ địa chung của cả nước, sự lớn mạnh không ngừng của miền Bắc không những nâng cao lòng tin tưởng và cổ vũ tinh thần hăng hái cách mạng của đồng bào yêu nước miền Nam, mà còn làm cho lực lượng so sánh giữa cách mạng và phản cách mạng trên phạm vi cả nước ta càng nghiêng về phía cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi cuối cùng... 

Mặt khác muốn cho miền Bắc có hoàn cảnh hòa bình để xây dựng chủ nghĩa xã hội, muốn giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và trên thế giới, miền Nam cần phải kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, làm thất bại chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của chúng, đánh đổ ách thống trị tàn bạo của chúng. Ngoài con đường đấy ra, không có con đường nào khác.

   Đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Đại hội thông qua Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) với những nhiệm vụ cơ bản:

+ Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, ưu tiên phát công nghiệp nặng, phát triển toàn diện nông nghiệp

+ Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp

+ Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân

+ Cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động

+ Củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự an ninh, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội  ở miền Bắc

+ Nghị quyết về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới. 

* Đại hội thông qua:

+ Nghị quyết về ngày thành lập Đảng

+ Điều lệ Đảng (sửa đổi)

+ Lời kêu gọi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới bao gồm 78 đồng chí, trong đó có 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu tiếp tục làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tình hình trong nước
Cuộc nổi dậy ở Bắc Ái (tháng 2/1959), Trà Bồng (tháng 8/1959) đã lan rộng ra khắp miền Nam thành phong trào "Ðồng khởi", tiêu biểu là ở Bến Tre (tháng 1/1960) phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ ở thôn xã, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
1/1/1960: Công bố Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959.
3/1960: Xuất hiện “đội quân tóc dài”, ra đời từ phong trào đồng khởi ở Bến Tre. "Đội quân tóc dài" đã đưa phong trào đấu tranh của phụ nữ Việt Nam lên một tầm cao mới.
8/5/1960: Bầu cử Quốc hội khóa II. Người trúng cử với số phiếu nhiều nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh với 99,91% phiếu bầu.
20/12/1960: Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, chủ trương đoàn kết quân dân, đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai.
Năm 1961: Đế quốc Mỹ triển khai thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm cô lập cách mạng miền Nam, tách lực lượng vũ trang và cơ sở của ta ra khỏi nhân dân.
15/2/1961: Thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành giải phóng quân miền Nam và đặt dưới sự chỉ huy chung của Bộ tư lệnh các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
10/8/1961: Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng chất độc da cam tại Việt Nam.
Tình hình quốc tế
2/9/1960: Đại hội toàn quốc nhân dân Cuba thông qua Tuyên ngôn La Habana quy định những quyền cơ bản của công dân, xác định đường lối chống đế quốc và đoàn kết các dân tộc đấu tranh cho tự do và hòa bình.
1960: Năm châu Phi - 17 nước Châu Phi tuyên bố độc lập, đánh dấu sự sụp đổ cơ bản của chủ nghĩa thực dân cũ.
22/5/1960: Động đất mạnh 9,5 độ ở Chile làm khoảng 1.600 người thiệt mạng và 3.000 người bị thương.
9/1960: Thành lập tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC gồm 13 thành viên.
12/1960: Liên hợp quốc ra tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa.
20/1/1961: Jonh Kennedy của Đảng Dân chủ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ
12/4/1961: Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.
4/1961: Quân và dân Cuba tiêu diệt hoàn toàn hơn 1.500 lính đánh thuê do Mỹ bật đèn xanh đổ bộ vào bãi biển Hiron.
12/8/1961: Bức tường Berlin được xây dựng, ngăn cách Tây Berlin với Đông Berlin.
Đại hội
đảng
lần
thứ IV
Thời gian: 14/12 đến 20/12/1976
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.008
Số lượng đảng viên: 1.550.000
Hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội

Bối cảnh chung

- Từ cuối những năm 70 trở đi, tình hình kinh tế-xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu gặp nhiều khó khăn, việc duy trì sự ủng hộ, viện trợ vật chất đối với các nước bên ngoài ngày càng hạn chế. Các nhà lãnh đạo Liên Xô tìm cách thương lượng với Mỹ giảm dần cuộc chạy đua vũ trang.

Giữa thập niên 70, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, thành lập từ tháng 8/1967) có nhiều hoạt động tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, tạo sự ảnh hưởng và uy tín trong khu vực.

Lực lượng Khơme Đỏ lên cầm quyền ở Campuchia sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ (4/1974) phản bội cách mạng, được một số thế lực bên ngoài ủng hộ, thực hiện tàn sát nhân dân trong nước, thi hành chính sách đối ngoại thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.

- Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và đi lên CNXH.

Cuộc Tổng tuyển cử (4/1976) bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc đã ra những quyết định lịch sử về quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, xác lập hệ thống bộ máy nhà nước.

Ðại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980); Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Ðảng và sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.

* Đại hội quyết định

- Đường lối cách mạng XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ IV đã đánh giá, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó, cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

- Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980):

Phát triển và cải tạo kinh tế; phát triển khoa học-kỹ thuật; đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới; tăng cường nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của các đoàn thể, làm tốt công tác quần chúng; nhiệm vụ quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng; nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

* Đại hội thông qua:

+  Nghị quyết đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Bổ sung Điều lệ của Đảng, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tình hình trong nước
24/3/1975: Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi hoàn toàn.
25/3/1975: Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
26/3/1975: Huế được giải phóng.
29/3/1975: Đà Nẵng được giải phóng.
30/4/1975: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước,  kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm (1954-1975)
25/4/1976: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI được tiến hành trong cả nước.
Từ 24/6 đến 3/7/1976: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI thông qua các quyết định quan trọng:
+ Tên nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Quốc kỳ: nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh;
+ Quốc huy: hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, ở dưới có bánh xe răng cưa và dòng chữ:  Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Thủ đô: Hà Nội; 
+ Quốc ca: bài Tiến quân ca;
+ Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.
1976: Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, như: Jamaica, Ethiopia, Kuwait, Costa Rica,  Nigeria, Philippines, Thái Lan...
8/1976: Việt Nam được bầu vào Ủy ban phối hợp của Phong  trào Không liên kết (NAM).
31/12/1976: Khánh thành tuyến đường sắt Thống nhất dài trên 1.700km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Tình hình quốc tế
17/4/1975: Khơme Đỏ tiến vào Phnom Penh, nắm quyền lãnh đạo đất nước, bắt đầu thi hành chính sách diệt chủng tại Campuchia kéo dài đến đầu năm 1979.
19/4/1975: Ấn Độ lần đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo từ sân bay Vũ trụ của Liên Xô.
2/12/1975: Thành lập Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Hoàng thân Suphanuvông là Chủ tịch nước.
2/1976: Hội nghị các nguyên thủ ASEAN tại Bali ký hiệp ước (Hiệp ước Bali) về nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, hợp tác giữa các nước để cùng phát triển.
1976: Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông (9/9/1976) và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (8/1/1976) qua đời. Cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản” kéo dài trong 10 năm ở Trung Quốc (1966-1976) kết thúc.
1/4/1976: Apple được thành lập dưới tên Apple Computer, Inc với 3 thành viên sáng lập là Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronal Wayne.
28/7/1976: Động đất tại Đường Sơn (Trung Quốc) - một trong những thảm họa thiên tai thảm khốc nhất - đã cướp đi sinh mạng của khoảng 255.000 người.
17/8/1976: Động đất 7,9 độ xảy ra gần các đảo Mindanao và Sulu của Philippines, gây sóng thần cao đến 5m (ở điểm cao nhất), khiến khoảng 5.000-8.000 người thiệt mạng.
7/1976: Thế vận hội Mùa hè 1976 diễn ra tại Montréal, Québec, Canada. Hơn 6.000 vận động viên của 92 quốc gia tham dự.
22/8/1976: Trạm tự động Lunar 24 của Liên Xô lấy được một số mẫu đất từ Mặt trăng về Trái đất.
Đại hội
đảng
lần
thứ V
Thời gian: 27/03 đến 31/03/1982
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.033
Số lượng đảng viên: 1.727.000
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Bối cảnh chung

- Tình hình kinh tế-xã hội Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu gặp khó khăn, từng bước lâm vào khủng hoảng.

Đường lối cải cách kinh tế-xã hội ở Trung Quốc (từ năm 1978) bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Ở Đông Nam Á, các thế lực phản động quốc tế tăng cường tìm cách can thiệp nhằm chi phối, tạo ảnh hưởng. Đặc biệt là tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam.

- Việt Nam đang ở trong tình thế vừa có hoà bình vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh  phá hoại nhiều mặt... đồng thời, phải sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam.

Đại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của khó khăn, yếu kém. Đại hội đã thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc nắm và hiểu tình hình thực tế, việc cụ thể hóa đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có những khuyết điểm, sai lầm. Chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên CNXH từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách...

Trên cơ sở đó, Ðại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội từ năm 1981 đến năm 1985 và những năm 80; khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Ðại hội lần thứ IV của Ðảng đã vạch ra.

Ðại hội xác định: Những năm 1981-1985 là những năm phát triển thêm một bước, sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân.

Ba mặt đó kết hợp chặt chẽ với nhau, nhằm cơ bản ổn định được tình hình kinh tế và xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất của đời sống nhân dân, giảm nhẹ những chỗ mất cân đối nghiêm trọng nhất của nền kinh tế, khắc phục một bước quan trọng tình trạng không bình thường về phân phối, lưu thông, tăng thêm tiền đề và điều kiện để tiến lên mạnh mẽ và vững chắc hơn trong những năm sau.

Trên cơ sở đó, Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội từ năm 1981 đến 1985, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

- Đại hội thông qua:

+ Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1981-1985 và những năm 80 của thế kỷ XX;

+ Nghị quyết về xây dựng Đảng;

+ Bổ sung Điều lệ Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương và đồng chí Lê Duẩn được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 10/7/1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14/7/1986, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tình hình trong nước
1/5/1981: Tại Viêng Chăn (Lào), Đoàn đại biểu cao cấp Đảng, Nhà nước Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã trao Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
19/6/1981: Xí nghiệp liên doanh Việt-Xô (Vietsovpetro) được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
27/11/1981: Hội đồng Nhà nước quyết định phê chuẩn Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Công ước này được LHQ thông qua ngày 18/12/1979).
18/1/1982: Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công bộ sách trắng nhan đề: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - lãnh thổ của Việt Nam”.
3/1982: Khánh thành Nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài.
7/7/1982: Ký Hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Campuchia.
28/9/1982: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
9/12/1982: Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và Quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Đến ngày 28/12/1982, Quốc hội quyết định chuyển huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai sang thuộc tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa).
Tình hình quốc tế
20/1/1981: Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ.
14/4/1981: Tàu vũ trụ con thoi đầu tiên của Mỹ mang tên Colombia hạ cánh an toàn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của khoa học du hành vũ trụ.
16/7/1981: Mahathir bin Mohamad nhậm chức Thủ tướng Liên bang Malaysia.
12/8/1981: IBM công bố máy tính IBM Personal Computer 5150, mở ra khái niệm mới, khái niệm về máy tính cá nhân.
6/10/1981: Tổng thống Ai Cập Sadat bị ám sát.
25/3/1982: Canada thông qua Hiến pháp, sau khi giành được độc lập hoàn toàn từ Anh.
6/6/1982: Israel tấn công Liban.
19/8/1982: Svetlana Savitskaya trở thành người phụ nữ Nga thứ hai bay vào không gian trên tàu vũ trụ Soyuz T-7 cùng với hai phi hành gia.
5/11/1982: Khánh thành đập thủy điện Itaipu. Đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới lúc bấy giờ và là biểu tượng cho sự hợp tác của 2 nước láng giềng Brazil và Paraguay.
10/11/1982: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. Brezhnev từ trần (1905-1982).
12/11/1982: Đồng chí Iu.V.Andropov được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên Xô.
10/12/1982: Ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Công ước về Luật biển đã được 107 quốc gia thông qua tại Montego Bay (Jamaica).
Đại hội
đảng
lần
thứ VI
Thời gian: 15/12 đến 18/12/1986
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.129
Số lượng đảng viên: 1.900.000
Quyết tâm đổi mới

Bối cảnh chung

- Hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng, khó khăn nghiêm trọng. Phong trào độc lập dân tộc phát triển mạnh; phong trào không liên kết trở thành lực lượng chính trị rộng lớn có vai trò ngày càng quan trọng.

Hố ngăn cách giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng sâu rộng. Sự bóc lột ngày càng nặng nề của các nước đế quốc chủ nghĩa khiến nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh ngày càng bần cùng và nợ nần chồng chất. Phong trào công nhân của các nước tư bản có bước phát triển mới.

Cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật diễn ra mạnh mẽ, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất và đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá các lực lượng sản xuất.

-  Trong nước tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, 10 năm đầu tiên của thời kỳ quá độ, nền sản xuất cũ, hậu quả của các cuộc chiến tranh, tàn dư của chế độ cũ đã cản trở sự phát triển của đất nước. Chúng ta chưa tiến xa được mấy so với điểm xuất phát quá thấp. Những sai lầm và khuyết điểm đã mắc phải càng làm cho tình hình thêm khó khăn.

Ðại hội lần thứ VI đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức. Với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Ðại hội khẳng định những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, đồng thời chỉ rõ: Tình hình kinh tế-xã hội đang có những khó khăn gay gắt: Sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt; lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển.

Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Ðại hội lần thứ V đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình của đất nước, Ðại hội nghiêm khắc tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm. Ðổi mới tư duy, nhận thức rõ hơn về những quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và những năm đầu khi nước nhà thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Ðại hội đề ra đường lối đổi mới.

Ðại hội xác định: Ðảng phải trưởng thành về lãnh đạo chính trị, phát triển và cụ thể hóa đường lối, đề ra những giải pháp đúng đắn đối với những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ðể tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Ðảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

Ðại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Ðiều lệ Ðảng cho phù hợp tình hình mới.

Ðổi mới toàn diện thật sự là ý Ðảng, lòng dân. Nghị quyết Ðại hội VI vào cuộc sống là quá trình thể nghiệm, tìm tòi, từng bước cụ thể hóa, phát triển và tổ chức thực hiện những định hướng lớn. Ðảng và Nhà nước vừa tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội cấp bách, giữ vững ổn định chính trị, vừa thực hiện đổi mới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chủ trương, chính sách đổi mới bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới tăng lên.

Ðại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng. Các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng và Lê Ðức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.

Tình hình trong nước
4/1/1986: Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
16/1/1986: Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5. Đây là Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua đầu tiên từ ngày đất nước thống nhất.
24/1/1986: Việt Nam ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước Việt Nam-Lào và Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc toàn tuyến biên giới Việt-Lào.
10/7/1986: Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần.
14/7/1986: BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp phiên đặc biệt, bầu đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước  làm Tổng Bí thư.
25/5/1987: Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N.V.L  (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) trên báo Nhân Dân ra đời. “Những việc cần làm ngay” khơi dậy phong trào báo chí cả nước đấu tranh đẩy lùi lãng phí, tiêu cực.
Tình hình quốc tế
28/01/1986: Tàu con thoi Challenger của Mỹ nổ tung sau khi rời bệ phóng, làm toàn bộ phi hành đoàn tử nạn.
20/2/1986: Nga phóng Trạm vũ trụ Hòa bình (Mir) lên không gian.
2/1986: Đại hội đại biểu lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô.
26/4/1986: Nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của gần 100.000 người, hơn 340.000 người phải sơ tán.
11 đến 12/10/1986: Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ R.Reagan với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev tại Reykjavik bàn về vũ khí hạt nhân.
27/11/1986: Các nhà lãnh đạo cấp cao Liên Xô - Ấn Độ ký Tuyên ngôn Delhi về một thế giới không có vũ khí hạt nhân và không xâm phạm lẫn nhau.
27 và 28/1/1987: Tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Bí thư Gorbachev tuyên bố đường lối cải tố (perestroika) và công khai hóa (glasnost).
Đại hội
đảng
lần
thứ VII
Thời gian: 24/06 đến 27/06/1991
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.176
Số lượng đảng viên: 2.155.022
Tiếp tục công cuộc đổi mới đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa

Bối cảnh chung

- Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Công cuộc cải tổ của Liên Xô gặp nhiều khó khăn.

Các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin và Đảng Cộng sản từ nhiều phía, hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh lạnh chấm dứt. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, đẩy mạnh xu thế hòa hoãn và hợp tác.

- Sau hơn 4 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Song còn nhiều khó khăn, yếu kém, đất nước vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết.

Sự bao vây, cấm vận kinh tế đối với nước ta vẫn chưa bị xóa bỏ.

Đất nước ta phải đương đầu với các hoạt động phá hoại của các lực lượng thù địch ở cả trong và ngoài nước.

Ðại hội tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội VI và quyết nghị thông qua: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Ðảng và sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.

Ðại hội đúc rút những kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới. Đó là, phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới. Đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phải đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế-xã hội. Tiếp tục phát huy sâu rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phải quan tâm dự báo tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh trên tinh thần kiên định thực hiện đường lối đổi mới; tăng cường tổng kết thực tiễn và không ngừng hoàn chỉnh lý luận về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội thông qua, nêu rõ những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, những phương hướng cơ bản để xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cương lĩnh khẳng định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:

- Do nhân dân lao động làm chủ.

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Ðại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Ðỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng, Võ Chí Công giữ trọng trách Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.

Tình hình trong nước
9/2/1991: Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên.
30/3/1991: Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới.
7 đến 13/5/1991: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Liên Xô.
8/1991: Đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII).
12 và 13/9/1991: Hội nghị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tên gọi “Việt Nam con hổ thức giấc”, đây là Hội nghị đầu tiên về chủ đề này được tổ chức tại Mỹ.
4/11/1991: Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 156 của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol).
5 đến 11/11/1991: Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Trung Quốc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự bình thường hóa quan hệ Việt Nam, Trung Quốc.
Tình hình quốc tế
16/1/1991: Mỹ và liên quân mở chiến dịch “Bão táp sa mạc” bắt đầu cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.
3/4/1991: Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 687 về ngừng bắn chính thức ở vùng Vịnh.
31/3/1991: Tổ chức Hiệp ước Vacsava chấm dứt hoạt động.
23/2/1991: Đảo chính quân sự ở Thái Lan nhằm khôi phục chính phủ quân sự do tướng Chaovalit đứng đầu.
15/8/1991: Lào công bố bản hiến pháp đầu tiên.
1991: Liên bang Xô viết khủng hoảng cao độ, từng bước tan vỡ: mở đầu cuộc đảo chính không thành công (19/8); dẫn đến M.X.Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô, yêu cầu giải tán BCHTW (24/8); Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động (29/8). Đến ngày 21/12, ký kết hiệp định giải tán Liên bang Xô viết, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), buộc M.X.Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô (25/12/1991).
7/12/1991: Lãnh đạo 12 nước thuộc Cộng đồng châu Âu đàm phán xong Hiệp định Maastricht, đặt nền tảng cho việc ra đời Liên minh châu Âu (EU).
Đại hội
đảng
lần
thứ VIII
Thời gian: 28/06 đến 01/07/1996
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.198
Số lượng đảng viên: 2.130.000
Tiếp tục đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Bối cảnh chung

- Chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến CNXH tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ lên CNXH.

Nguy cơ chiến tranh thế giới hủy diệt bị đẩy lùi, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về dân tộc, sắc tộc và tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với trình độ ngày càng cao.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động, nhưng cũng tiềm ẩn một số nhân tố có thể gây mất ổn định.

- Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đất nước đã đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt. Đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Dân chủ được phát huy. Lòng tin của nhân dân đối với chế độ và tiền đồ của đất nước, với Đảng và Nhà nước được khẳng định. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đạt được thành tựu to lớn: bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (7/1995), gia nhập ASEAN (7/1995)... góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ðại hội tổng kết 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VII của Ðảng, đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.

Ðại hội đánh giá tổng quát: Công cuộc đổi mới trong 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Ðại hội VII đề ra đã được hoàn thành cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Nhận định đặc điểm tình hình thế giới, thời cơ và thách thức, Ðại hội xác định: Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Ðại hội đã xây dựng định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu: Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách đối với các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội; quốc phòng và an ninh; chính sách đối ngoại; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Ðại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Ðảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới. Ðó là, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Ðảng. Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Củng cố Ðảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng. Ðổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Ðảng.

Ðại hội bầu BCHTW gồm 170 đồng chí. Ðồng chí Ðỗ Mười được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Ðảng. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng, Võ Chí Công làm Cố vấn BCHTW.

Tại hội nghị lần thứ tư, tháng 12/1997, BCHTW chấp thuận đề nghị của đồng chí Ðỗ Mười thôi giữ chức vụ Tổng Bí thư, bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư của Ðảng. BCHTW suy tôn các đồng chí Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh, Võ Văn Kiệt làm Cố vấn BCHTW Ðảng.

Tình hình trong nước
14/2/1996: Mở lại tuyến đường sắt Việt Nam-Trung Quốc.
20/4/1996: Thượng tướng Trần Văn Trà  qua đời.
26/4/1996: Lần đầu tiên Việt Nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế.
15/8/1996: Khởi công xây dựng đường cao tốc Láng-Hòa Lạc.
24/9/1996: Việt Nam ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) tại Mỹ.
31/10/1996: Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho 77 công trình, cụm công trình, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc về khoa học và kỹ thuật, văn học và nghệ thuật.
12/11/1996: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (thay Luật Đầu tư  nước ngoài tại Việt Nam 1987; Luật sửa đổi 1990, 1992).
28/11/1996: Thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
24/12/1996: Luật sư-Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ qua đời.
27/12/1996: Khánh thành chợ Đồng Xuân, Hà Nội (chợ bị hỏa hoạn năm 1994 và được xây lại trên nền cũ).
Tình hình quốc tế
20/1/1996: Tổng tuyển cử lần đầu tiên bầu ra nhà lãnh đạo Yasser Arafat làm Tổng thống đầu tiên của Palestine.
26/1/1996: Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước START-2 về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mỹ và Nga.
1/2/1996: Tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố kết thúc việc thử nghiệm hạt nhân.
24/4/1996: Tổng thống Nga Boris Yeltsin gặp Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh, mở ra thời kỳ quan hệ mới giữa hai nước.
29/5/1996: Lãnh đạo Đảng Likud cánh tả Benjamin Netanyahu được bầu làm Thủ tướng Israel.
3/7/1996: Boris Yeltsin giành thắng lợi trước lãnh đạo đảng Cộng sản Gennady Zyuganov để đắc cử nhiệm kì II Tổng thống Nga.
10/9/1996: Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
5/11/1996: Đương kim Tổng thống Mỹ Bill Clinton tái đắc cử.
9/12/1996: Liên hợp quốc bắt đầu cho phép thực hiện chương trình “đổi dầu lấy lương thực” tại Iraq.
17/12/1996: Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ông Kofi Annan làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Đại hội
đảng
lần
thứ IX
Thời gian: 19/04 đến 22/04/2001
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.168
Số lượng đảng viên: 2.479.719
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Bối cảnh chung

- Kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI. Toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ.

Quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

    Cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt và công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục có bước phát triển nhảy vọt, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội.

-  Thành tựu quan trọng sau 15 năm đổi mới tạo thế và lực thúc đẩy công cuộc đổi mới nước ta đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối phó với những thách thức: tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng quan liêu, “diễn biến hoà bình”do các thế lực thù địch gây ra.

Ðại hội nhìn lại chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VIII; 15 năm đổi mới đất nước, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI; vạch ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Ðảng ta ngang tầm đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ Ðảng.

Ðại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị với tiêu đề "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Ðại hội đánh giá: Thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội (1991-2000), chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Nền kinh tế từ tình trạng hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng nay sản xuất đã đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và nền kinh tế; từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ chỗ chủ yếu chỉ có hai thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đã chuyển sang nền kinh tế có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ðời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Ðất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; phá được thế bị bao vây cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Về những kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, Ðại hội chỉ ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu. Ðó là, trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Ðổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ðường lối đúng đắn của Ðảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới.

Về đường lối phát triển kinh tế-xã hội, Ðại hội IX của Ðảng nêu rõ: Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 là: Ðưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Ðại hội đã bầu BCHTW gồm 150 đồng chí. Ðồng chí Nông Ðức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng.

Tình hình trong nước
29/4/2000: Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trần.
21/5/2000: Khánh thành cầu Mỹ Thuận, Tiền Giang.
13/7/2000: Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thương mại. Sau đó hơn một năm, 11/12/2001, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực.
20/7/2000: Mở thị trường chứng khoán tại Việt Nam, đưa Trung tâm giao dịch chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh vào hoạt động.
7 đến 9/9/2000: Chủ tịch nước Trần Đức Lương tham dự Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ tại Liên hợp quốc.
16 đến 19/11/2000: Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.
12/2000: Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ 25 đến 29/12).
28/12/2000: Tuyên bố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ trong cả nước.
28/2 đến 2/3/2001: Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam.
27/6/2001: Đồng chí Nguyễn Văn An được bầu làm Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X.
10/10/2001: Khánh thành Nhà ga hành khách T1 Sân bay quốc tế Nội Bài.
26/10/2001: Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
25/12/2001: Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992.
27/12/2001: Lễ cắm mốc quốc giới đầu tiên trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh).
Tình hình quốc tế
26/3/2000: Ông V.Putin được bầu làm Tổng thống Nga.
24/5/2000: Israel hoàn tất rút quân ra khỏi miền Nam Liban, chấm dứt 22 năm chiếm đóng vùng đất này.
13 đến 15/6/2000: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng, mở đầu tiến trình hòa giải giữa hai miền Triều Tiên sau 55 năm chia cắt.
26/6/2000: Tìm ra 97% mã gien người, 85% dữ liệu gien và giải mã được 99% bộ gien người, mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ sinh học.
12/8/2000: Tàu ngầm nguyên tử Kursk của Nga bị đắm ở biển Baren, làm 118 thủy thủ hy sinh.
11/12/2000: Liên minh châu Âu (EU) đạt được Thỏa thuận cải cách thể chế, nhằm mở rộng khối này.
7/3/2001: Ông Ariel Sharon nhậm chức Thủ tướng Israel.
28/4/2001: Thương gia Mỹ Dennis Tito, 60 tuổi trở thành khách du lịch vũ trụ đầu tiên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
7/6/2001: Thủ tướng Anh Tony Blair giành chiến thắng lịch sử nhiệm kỳ thứ hai.
11/9/2001: Nước Mỹ bị tiến công khủng bố ở Washington và New York, làm gần 3.000 người thiệt mạng.
5/12/2001: Nga và Mỹ tuyên bố hoàn tất việc cắt giảm vũ khí theo tinh thần Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-I).
11/12/2001: Trung Quốc trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
13/12/2001: Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) ký năm 1972.
Đại hội
đảng
lần
thứ X
Thời gian: 18/04 đến 25/04/2006
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.176
Số lượng đảng viên: 3.100.000
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

Bối cảnh chung

- Toàn cầu hoá kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Cạnh tranh kinh tế-thương mại giữa các nước ngày càng gay gắt.

Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp.

- Ở trong nước, sau 20 năm đổi mới (1986-2006), thế và lực nước ta ngày càng lớn mạnh. Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững môi trường hoà bình tạo thêm nhiều thuận lợi cho nhân dân ta đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ nhanh hơn.

Tuy nhiên, nước ta đứng trước nhiều thách thức lớn: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", gây bạo loạn lật đổ, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Đại hội kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, nhìn lại 20 năm đổi mới, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng.

Báo cáo Chính trị được Đại hội thông qua với tiêu đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Đại hội khẳng định: Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Đại hội thông qua mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2006-2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội bầu BCH Trung ương gồm 160 đồng chí Ủy viên chính thức và 21 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nông Đức Mạnh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tình hình trong nước
20-25/6/2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Thủ tướng nước ta đến Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh và 10 năm hai nước bình thường hóa quan hệ.
25/11/2005: UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên  là Di sản kiệt tác truyền khẩu và văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
29/11/2005: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI.  Hai luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/6/2006.
28/11/2005: Khởi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Sau hơn 5 năm, 6/1/2011, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khánh thành.
2/12/2005: Khởi công Thủy điện Sơn La
Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23/12/2012, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á tại thời điểm đó.
Năm 2005: Hai cuốn Nhật ký của các Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc được công bố và xuất bản.
7/11/2006: Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau 11 năm đàm phán.
12 đến 19/11/2006: Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC-14 (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14)
8 và 9/12/2006: Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR), đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương.
2006: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đã đạt con số kỷ lục trên 10 tỷ USD.  Đây là mức thu hút FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997, cho thấy Việt Nam thực sự trở thành điểm đến hứa hẹn của nhiều nhà đầu tư lớn.
Tình hình quốc tế
20/1/2005: Tổng thống Mỹ George W.Bush nhậm chức nhiệm kỳ 2.
18/1/2005: Tập đoàn Airbus chính thức giới thiệu loại máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380.
16/02/2005: Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chính thức có hiệu lực đầy đủ và toàn diện.
9/3/2005: Ông Thaksin Shinawatra được bầu làm Thủ tướng Thái Lan nhiệm kỳ hai.
Hơn 1 năm sau, ngày 19/9/2006, đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
2/4/2005: Giáo Hoàng John Paul II qua đời. Giáo Chủ Benedict XVI được bầu làm Giáo Hoàng mới của Vatican.
7/7/2005: Các vụ đánh bom vào hệ vào hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt ở London, Anh, làm 52 người thiệt mạng gần 800 người bị thương.
22/11/2005: Bà Angela Merkel được Quốc hội Đức phê chuẩn làm Thủ tướng, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức.
Cuối 2005: Dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh và lan rộng khắp các châu lục.
1/2/2006: 7 tờ báo ở Pháp, Đức, Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha đăng lại một vài bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, vốn xuất hiện đầu tiên trên báo của Đan Mạch vào tháng 1/2006, gây ra một làn sóng phẫn nộ dữ dội trong thế giới Hồi giáo trên khắp thế giới.
27/5/2006: Động đất 6,3 độ tại Java, Indonesia khiến 5.800 người chết và 45.000 người bị thương.
1/8/2006: Chủ tịch Cuba Fidel Castro lâm trọng bệnh và tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó Chủ tịch Raul Castro.
9/10/2006: Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân, gây chấn động dư luận và khiến các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc.
13/10/2006: Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon được bầu làm Tổng Thư ký thứ 8 của Liên hợp quốc.
5/11/2006: Tòa án đặc biệt Iraq tuyên án tử hình cựu Tổng thống Saddam Hussein.
Đại hội
đảng
lần
thứ XI
Thời gian: 12/01 đến 19/01/2011
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.377
Số lượng đảng viên: 3.600.000
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước

Bối cảnh chung

- Kết thúc thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị-xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, đặc biệt trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp.

Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ lan rộng, trở thành cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

- Trải qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”.

Đại hội đánh giá, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2001-2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011-2015); thông qua Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) và nhiều văn kiện quan trọng khác.

Về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội X, Đại hội đánh giá: toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng. Ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước. Cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, các ngành đều có bước phát triển, quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt một số kết quả tích cực.

Mục tiêu tổng quát 5 năm (2011-2015) được Đại hội xác định là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội thông qua, khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí; Ban Bí thư gồm bốn đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XI, họp từ ngày 2 đến 11/5/2013, hai đồng chí được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị; một đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.

Tình hình trong nước
9/2010: Liên hợp quốc ghi nhận Việt Nam đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), trong đó, 2 mục tiêu được thực hiện thành công nhất là xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục.
31/12/2010: Việt Nam kết thúc thành công Năm Chủ tịch ASEAN.
17/12/2010: Tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La hòa lưới điện quốc gia. Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia.
2010: 4 di sản  của Việt Nam được UNESCO công nhận:
+ 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Di sản Tư liệu Thế giới, 3/2010);
+ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Di sản Văn hóa Thế giới, 8/2010);
+ Cao nguyên đá Đồng Văn (Công viên địa chất toàn cầu, 10/2010);
+ Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn (Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại, 11/2010).
1/2011: Khánh thành Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (1/1/2011) và  Nhà máy lọc dầu Dung Quất (6/1/2011).
22/5/2011: Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày.
26/5/2011: Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi đang cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
30/11/2012, tàu Bình Minh 02 lại bị tàu Trung Quốc cắt đứt cáp khi đang di chuyển ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ chuẩn bị khảo sát.
20/11/2011: Thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây.
+ Đây là hầm vượt sông đầu tiên của cả nước và hiện đại nhất Đông Nam Á tại thời điểm này.
UNESCO công nhận Di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản Văn hóa thế giới  (27/6/2011); Hát Xoan (Phú Thọ) là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp (24/11/2016).
Tình hình quốc tế
12/1/2010: Động đất mạnh nhất trong vòng 200 năm qua ở Haiti khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng.
Tháng 7 đến tháng 11/2010: WikiLeaks tiết lộ hàng loạt dữ liệu về cuộc chiến của Mỹ ở Afganistan và Iraq cũng như những điện tín ngoại giao nội bộ của Mỹ, gây chấn động dư luận thế giới.
19/8/2010: Mỹ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu khỏi Iraq sau hơn 7 năm phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein.
+ Hơn một năm sau, ngày  14/12/2011, Mỹ chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tại Iraq.
13/10/2010: Sau 70 ngày mắc kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng đất tại khu mỏ San Jose, 33 thợ mỏ Chile đã được giải cứu thành công.
2010: Khủng hoảng nợ công nổ ra ở Hy Lạp lan rộng ở châu Âu.
11/3/2011: Thảm họa kép động đất-sóng thần tại Nhật Bản, làm gần 30.000 người chết và mất tích, gây rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
4/2011: Cuba thông qua chính sách “cập nhật mô hình nền kinh tế”, huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước  tham gia phát triển kinh tế-xã hội (tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI).
1/5/2011: Trùm khủng bố Osama Bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda, bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan.
31/10/2011: Thế giới cán mốc 7 tỷ người.
11/2011: ASEAN và Trung Quốc đạt được nhất trí tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế (trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-19).
17/12/2011: Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời.
Đại hội
đảng
lần
thứ XII
Thời gian: 20/01 đến 28/01/2016
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.510
Số lượng đảng viên: 4.500.000
Tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh

Bối cảnh chung

- Trên thế giới, hòa bình và hợp tác phát triển là xu thế lớn. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm; khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước; cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; tình hình trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp.

      Kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều khó khăn.

- Ở trong nước, trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011)  và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020,  đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Tuy nhiên, đổi mới còn chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Với chủ đề "Tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", Ðại hội thảo luận, thống nhất đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và nhìn lại 30 năm đổi mới.

Ðại hội thống nhất nhận định, trong nhiệm kỳ 2016-2020, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

- Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

- Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

- Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ðại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí; Ban Bí thư gồm 3 đồng chí. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Ðảng.

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, họp từ ngày 4 đến 11/10/2017, hai đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Bí thư. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, họp từ ngày 7 đến 12/5/2018, hai đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.

Tình hình trong nước
28/3 đến 1/4/2015: Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng  Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132).
6-10/7/2015: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Hoa Kỳ.
2015: Việt Nam kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên 14.
4/2016: Xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế).
15/5/2016: Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
23-25/5/2016: Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam.
30/10/2016: Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 04/NQ-TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
1/12/2016: UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tình hình quốc tế
14/7/2015: Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
20/7/2015: Mỹ và Cuba chính thức mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước.
12/12/2015: Thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại  Hội nghị COP21 (có 195 quốc gia tham dự). Hiệp định có hiệu lực tháng 11/2016.
31/12/2015: Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
2015: Trung Quốc có nhiều động thái làm nóng tình hình Biển Đông như tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
2015: Làn sóng người di cư từ các nước Trung Đông, Bắc Phi ồ ạt đổ vào châu Âu.
2015:  Nhiều vụ xả súng đẫm máu tại Paris Pháp: tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo (7/1/2015); liên tiếp 7 vụ xả súng và đánh bom khủng bố (13/11/2015).
3/4/2016: Vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất thế giới mang tên “Hồ sơ Panama” đồng loạt được công bố, gây chấn động toàn cầu.
23/6/2016: Anh tiến hành trưng cầu dân ý với kết quả đa số cử tri bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
12/7/2016: Phán quyết quốc tế cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc  nêu rõ: "không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử ở Biển Đông và cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc vẽ ra là trái với UNCLOS”.
8/11/2016: Tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
25/11/2016: Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời ở tuổi 90.
2016: Nhiều vụ khủng bố và xả súng ở Châu Âu làm hàng trăm người chết và bị thương: tại Brussels, Bỉ (22/3/2016); tại Nice, Pháp (14/7/2016); tại Berlin, Đức (19/12/2016).
Đại hội
đảng
lần
thứ XIII
Thời gian: 25/01 đến 01/02/2021
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội
Số lượng đại biểu: 1.587
Số lượng đảng viên: 5.100.000
Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển

Bối cảnh chung

- Trên thế giới, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Đại dịch tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống kinh tế-xã hội, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp của con người, buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã khiến thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp phá sản khắp thế giới, đặc biệt trong ngành hàng không, du lịch và bán lẻ.

Sau 8 năm đàm phán, ngày 15/10/2020, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu. RCEP là hiệp định toàn diện và chất lượng cao, mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế thế giới đang suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19.

- Ở trong nước, trong giai đoạn 5 năm qua, đặc biệt là năm 2020, mặc dù tình hình khu vực và thế giới biến chuyển nhanh chóng, khó lường, tình hình dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ, sạt lở nghiêm trọng chưa từng thấy ập đến với miền Trung và Tây Nguyên, song bằng nỗ lực và ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân, Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những thành công quan trọng trong mọi lĩnh vực.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có nhịp độ phát triển kinh tế cao nhất trên thế giới trong năm 2020, duy trì mức tăng trưởng GDP trong 5 năm qua ở mức 5,8%. Lĩnh vực văn hóa- xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển và có tiến bộ trong nhiều mặt, như xóa nghèo cho người dân, số lượng hộ nghèo giảm từ 10% trong năm 2015 xuống còn 3% trong năm 2020. Quan hệ ngoại giao và hội nhập quốc tế đạt được thành công quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và có nhiều hoạt động tích cực trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021.

Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội và sự phát triển của đất nước. Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta.  

Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng có chủ đề: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Nghị quyết nêu bật kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; khẳng định những thành tựu đạt được 5 năm qua là kết tinh sức sáng tạo của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

Nghị quyết nêu 3 đột phá chiến lược được xác định là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển;  phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cẩu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí.

Với sự thống nhất rất cao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. 

Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 đồng chí; đồng chí Trần Cẩm Tú tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. 

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội XIII thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tình hình trong nước
1/1/2020: Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
+ Với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất: thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; và thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.
2/1/2020: Việt Nam triển khai các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở đầu cho nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Bảo an 2020-2021.
+ Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ và để lại những dấu ấn đậm nét trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy khó khăn do đại dịch COVID-19.
12/2/2020: Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Việc thông qua các Hiệp định EVFTA và EVIPA tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và EU.
24/2/2020: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
2/2020: Lần đầu tiên Việt Nam có ba trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học thuộc các nền kinh tế mới nổi năm 2020 do Tạp chí Times Higher Education (THE) công bố, gồm: Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.
4/3/2020: Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan ra mắt. Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
3/2020: Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt đợt hạn kỷ lục năm 2016. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
1/4/2020: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Từ ngày 1 đến 15/4 thực hiện cách ly toàn xã hội.
19/4/2020: Việt Nam tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.
28/4/2020: Thông tấn xã Việt Nam khởi xướng chương trình kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo cách thức rất đặc biệt: tạo lá cờ Tổ quốc bằng trang báo in. Độc giả cũng được đề nghị chụp hình lá cờ đỏ sao vàng và đăng lên mạng xã hội với hashtag #toiyeuvietnam để góp phần lan tỏa lòng tự hào dân tộc.
19/5/2020: Mười tờ báo in tại Việt Nam kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách mang lại trải nghiệm chưa từng có cho độc giả của mình: tô màu vào những hình tròn in trên trang báo để vẽ chân dung vị lãnh đạo vô cùng kính yêu. Đây cũng là ý tưởng sáng tạo báo chí của TTXVN.
20/5/2020: Lần đầu tiên trong lịch sử, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được khai mạc với hình thức họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội (Hà Nội) tới 63 tỉnh, thành phố. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp thời gian tới.
8/6/2020: Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
7/7/2020: Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu.
15/7/2020: Gần 100 y bác sĩ của các bệnh viện hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp là Trúc Nhi và Diệu Nhi.
22/7/2020: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-New Zealand lên Đối tác chiến lược.
25/7/2020: Bệnh viện Đà Nẵng phát hiện ca dương tính với COVID-19 sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Từ tâm dịch Đà Nẵng, 14 tỉnh/thành cũng phát hiện các ca dương tính với COVID-19. Ngày 31/7 ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 tại Việt Nam.
9-10/8/2020: Gần 867.000 thí sinh trên cả nước tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, muộn hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu do tác động của dịch bệnh. Các hội đồng thi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo nghiêm túc, công bằng trong thi cử và an toàn về sức khỏe cho thí sinh và cán bộ coi thi.
8 đến 10/9/2020: Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 theo hình thức trực tuyến, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA khắc phục khó khăn, củng cố đoàn kết và hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”.
18 đến 20/10/2020: Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng sau một tháng nhậm chức và lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.
20/9 đến 28/10/2020: Toàn bộ 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ và các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy.
12 đến 15/11/2020: Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với hơn 20 phiên họp cấp cao, trên 80 văn kiện được thông qua. Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEF) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã được ký kết.
10 và 11/2020: 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào khu vực miền Trung gây ra mưa lớn chưa từng có về cường độ và thời gian, gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại về người và của cải. Đặc biệt, lũ dữ, sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế); Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến nhiều người chết, mất tích, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương này.
2 đến 5/12/2020: Hơn 1.200 đại biểu là những đại diện tiêu biểu của hơn 14 triệu đồng bào thuộc 54 dân tộc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội.
3/12/2020: Thông tấn xã Việt Nam ra mắt chuyên trang về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại  địa chỉ: http://daihoidang.vn, cung cấp thông tin về đại hội đảng bằng nhiều loại hình cho các cơ quan báo chí cũng như công chúng trong và ngoài nước.
27/12/2020: “Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh” đầu tiên.
+ Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.
9-10/12/2020: Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
29/12/2020: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức được ký kết tại London. Hiệp định có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020.
Tình hình quốc tế
2020: Đại dịch COVID-19 hoành hành, gây khủng hoảng trên toàn cầu
+ Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới, khiến khoảng 80 triệu người nhiễm và trên 1,7 triệu người tử vong (số liệu tính đến cuối năm 2020), đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.
+ Đại dịch tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống kinh tế-xã hội, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp của con người, buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.
2020: Kinh tế thế giới trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai
+ Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã khiến thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp phá sản khắp thế giới, đặc biệt trong ngành hàng không, du lịch và bán lẻ.
3/1/2020: Tướng Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng sau một cuộc oanh kích của quân đội Mỹ ở sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq. Sự kiện này khiến quan hệ Mỹ-Iran đứng trước “lằn ranh đỏ” xung đột trong suốt cả năm 2020.
15/1/2020: Mỹ và Trung Quốc ký kết Thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 14/2/2020. Khi đó thỏa thuận đã mở ra hy vọng về một sự khởi đầu mới trong giải quyết mối quan hệ tranh chấp thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới, song thực tế mối quan hệ giữa hai nước vẫn chìm sâu trong mâu thuẫn suốt năm 2020.
28/1/2020: Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố "Kế hoạch hòa bình Trung Đông” sau nhiều lần trì hoãn. Kế hoạch này được cho là có sự thiên vị dành cho Israel nên đã gây tranh cãi trong dư luận quốc tế cũng như vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine.
31/1/2020: Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của khối thương mại khu vực lớn nhất hành tinh này. Đến ngày 24/12/2020, Anh và EU chính thức đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021.
29/2/2020: Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan ký thỏa thuận hòa bình lịch sử tại thủ đô Doha của Qatar, với sự chứng kiến của đại diện đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới.
3/2020: Triều Tiên thực hiện liên tiếp 4 vụ thử tên lửa, vào các ngày 2/3, 9/3, 21/3, 29/3.
19/5/2020: Palestine tuyên bố ngừng tuân thủ mọi thỏa thuận đã ký với Israel và Mỹ.
21/5/2020: Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở với Nga, cáo buộc Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước. Đây là văn bản vốn được hai nước ký kết tại Phần Lan ngày 24/3/1992. Đến ngày 22/11/2020, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước này.
Từ 27/5/2020: Làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc ở Mỹ lan rộng kể từ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Không chỉ diễn ra ở Mỹ, phong trào xuống đường đòi "quyền sống cho người da màu" còn diễn ra rầm rộ sau đó ở nhiều thành phố của Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Italy, Hà Lan, Canada, Australia, Nam Phi, Thái Lan… với hàng trăm nghìn người tham gia.
9/6/2020: Triều Tiên cắt đứt đường dây liên lạc liên Triều. Sau đó một tuần, Triều Tiên cho nổ Văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới với Hàn Quốc.
Từ 25/6 đến 1/7/2020: Nga trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, với hơn 77% cử tri ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp.
13/7/2020: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết Biển Đông, cụ thể là Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia.
Từ tháng 8 đến 12/2020: Dưới sự trung gian của Mỹ, Israel bình thường hóa quan hệ ngoại giao chính thức với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc.
4/8/2020: Hơn 2.700 tấn “bom phân bón” vốn vị lưu giữ ở cảng Beirut (Liban) trong 6 năm phát nổ, gây ra một cơn địa chấn mạnh 3,3 độ richter và khiến 200 người thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương sau thảm họa này
10/8/2020: Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch thăm dò khí đốt tại khu vực tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Thổ Nhĩ Kỳ với hai quốc gia thành viên EU là Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus. Căng thẳng bị đẩy lên cao độ khi các bên tổ chức tập trận ở phía Đông Địa Trung Hải, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus.
16/9/2020: Ông Yoshihide Suga-Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền-chính thức nhậm chức, trở thành Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản, thay thế người tiền nhiệm Shinzo Abe đã từ chức ngày 28/8/2020 vì lý do sức khỏe.
19/9/2020: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố khôi phục hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp dụng với Iran.
27/9/2020: Bắt đầu bùng phát cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorny-Karabakh. Sau 6 tuần (từ 27/9 đến 10/11/2020) chiến sự đẫm máu đã làm hơn 5.000 người chết ở cả hai phía. Đây được coi là cuộc chiến tồi tệ nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 1994. Đến ngày 9/11/2020, Armenia và Azerbaijan đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.
3/11/2020: Người dân Mỹ bầu cử Tổng thống thứ 46
+ Đây là cuộc bầu cử bất thường nhất trong lịch sử nước Mỹ.
+ Cuộc đua diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát nhưng gần 160 triệu cử tri Mỹ - một con số kỷ lục - đã tham gia bỏ phiếu dưới nhiều hình thức. Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
+ Những tranh cãi dai dẳng và cuộc chiến pháp lý sau ngày bầu cử 3/11, đặc biệt cuộc “đại náo” tòa nhà Quốc hội Mỹ của người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump ngày 6/1 được coi là sự kiện chưa từng có tiền lệ, đã khoét sâu sự chia rẽ, bất đồng trên chính trường và xã hội Mỹ.
4/11/2020: Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
15/11/2020: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand), sau 8 năm đàm phán.
+ Hiệp định tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.
17/11/2020: Iran chính thức thừa nhận rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (gọi tắt là JCPOA). Động thái này của Iran được xem là để trả đũa Mỹ và phương Tây.
24/11/2020: Huyền thoại bóng đá Argentina Diego Maradona qua đời ở tuổi 60 sau một cơn đau tim đột ngột.
27/11/2020: Nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh bị một nhóm tay súng ám sát ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand, miền Đông Iran. Vụ việc tiếp tục khơi mào làn sóng bạo lực mới giữa Iran với Israel và Mỹ.
1/12/2020: ASEAN và EU nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược.
14/12/2020: Anh phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với những biến thể khác khiến số ca nhiễm mới, nhập viện, tử vong do COVID-19 tăng chóng mặt ở Anh và nhiều quốc gia khác.
30/12/2020: Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đạt nhất trí "về nguyên tắc" đối với Hiệp định đầu tư toàn diện, sau 7 năm đàm phán.
200 người
Dương Văn An

Dương Văn An

Năm sinh: 1971

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế học, Thạc sĩ Kinh tế chính trị, Cử nhân Khoa học Địa lý

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Nguyễn Hoài Anh

Nguyễn Hoài Anh

Năm sinh: 1977

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Hành chính công, Kiến trúc sư, Cử nhân Ngữ văn Anh

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận

Chu Ngọc Anh

Chu Ngọc Anh

Năm sinh: 1965

Học vấn: Tiến sĩ Vật lý lý thuyết, Kỹ sư Vật lý chất rắn

Nguyễn Doãn Anh

Nguyễn Doãn Anh

Năm sinh: 1967

Học vấn: Đại học, ngành Chỉ huy Tham mưu Binh chủng Hợp thành; Cao cấp chuyên ngành Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Nguyễn Hoàng Anh

Nguyễn Hoàng Anh

Năm sinh: 1963

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Nguyễn Thúy Anh

Nguyễn Thúy Anh

Năm sinh: 1963

Học vấn: Thạc sĩ Luật và hành chính công

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Trần Tuấn Anh

Trần Tuấn Anh

Năm sinh: 1964

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Ngoại giao

Lê Hải Bình

Lê Hải Bình

Năm sinh: 1977

Học vấn: Phó Giáo sư Chính trị học, Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đỗ Thanh Bình

Đỗ Thanh Bình

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang

Dương Thanh Bình

Dương Thanh Bình

Năm sinh: 1961

Học vấn: Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nguyễn Hòa Bình

Nguyễn Hòa Bình

Năm sinh: 1958

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Đại học An ninh

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Bùi Minh Châu

Bùi Minh Châu

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ

Lê Tiến Châu

Lê Tiến Châu

Năm sinh: 1969

Học vấn: Tiến sĩ Luật học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Đỗ Văn Chiến

Đỗ Văn Chiến

Năm sinh: 1962

Học vấn: Kỹ sư Nông nghiệp

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Hoàng Xuân Chiến

Hoàng Xuân Chiến

Năm sinh: 1961

Học vấn: Tiến sĩ Luật học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Hoàng Duy Chinh

Hoàng Duy Chinh

Năm sinh: 1968

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn

Mai Văn Chính

Mai Văn Chính

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Kinh tế nông nghiệp

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trưởng ban Dân vận Trung ương

Phạm Minh Chính

Phạm Minh Chính

Năm sinh: 1958

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Kỹ sư Xây dựng

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Võ Chí Công

Võ Chí Công

Năm sinh: 1979

Học vấn: Cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng

Nguyễn Tân Cương

Nguyễn Tân Cương

Năm sinh: 1966

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Bùi Văn Cường

Bùi Văn Cường

Năm sinh: 1965

Học vấn: Tiến sĩ Kỹ thuật an toàn hàng hải, Thạc sĩ An toàn hàng hải, Kỹ sư Điều hành tàu biển, Cử nhân Anh văn

Lương Cường

Lương Cường

Năm sinh: 1957

Học vấn: Cử nhân Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Ngô Chí Cường

Ngô Chí Cường

Năm sinh: 1967

Học vấn: Cử nhân Kinh tế chính trị, Cử nhân Hành chính

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh

Nguyễn Mạnh Cường

Nguyễn Mạnh Cường

Năm sinh: 1973

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

Nguyễn Phú Cường

Nguyễn Phú Cường

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý kinh tế, Cử nhân Tài chính Công nghiệp

Phan Việt Cường

Phan Việt Cường

Năm sinh: 1963

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Luật

Trần Quốc Cường

Trần Quốc Cường

Năm sinh: 1961

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Kỹ sư Toán ứng dụng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Vũ Đức Đam

Vũ Đức Đam

Năm sinh: 1963

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế, Kỹ sư Điện tử-tin học

Nguyễn Văn Danh

Nguyễn Văn Danh

Năm sinh: 1962

Học vấn: Cử nhân Luật hành chính, Trung cấp Kế toán

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang

Huỳnh Thành Đạt

Huỳnh Thành Đạt

Năm sinh: 1962

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguyễn Hồng Diên

Nguyễn Hồng Diên

Năm sinh: 1965

Học vấn: Tiến sĩ Quản lý hành chính công, Cử nhân Lịch sử-Giáo dục học, Cử nhân Kế toán tổng hợp

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương

Nguyễn Khắc Định

Nguyễn Khắc Định

Năm sinh: 1964

Học vấn: Tiến sĩ Luật học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCH Việt Nam

Lương Quốc Đoàn

Lương Quốc Đoàn

Năm sinh: 1970

Học vấn: Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Nguyễn Quốc Đoàn

Nguyễn Quốc Đoàn

Năm sinh: 1975

Học vấn: Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Luật, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn

Nguyễn Hữu Đông

Nguyễn Hữu Đông

Năm sinh: 1972

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Đào Ngọc Dung

Đào Ngọc Dung

Năm sinh: 1962

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Hành chính công, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Đinh Tiến Dũng

Đinh Tiến Dũng

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Kinh tế

Hồ Quốc Dũng

Hồ Quốc Dũng

Năm sinh: 1966

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định

Hoàng Trung Dũng

Hoàng Trung Dũng

Năm sinh: 1971

Học vấn: Tiến sĩ Chính trị học, Cử nhân Ngữ Văn

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Nguyễn Chí Dũng

Nguyễn Chí Dũng

Năm sinh: 1960

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Võ Văn Dũng

Võ Văn Dũng

Năm sinh: 1960

Học vấn: Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương

Nguyễn Văn Được

Nguyễn Văn Được

Năm sinh: 1968

Học vấn: Thạc sĩ Địa chất học, Cử nhân Địa chất

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An

Nguyễn Quang Dương

Nguyễn Quang Dương

Năm sinh: 1962

Học vấn: Cử nhân Luật, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng

Phạm Đại Dương

Phạm Đại Dương

Năm sinh: 1974

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý khoa học và Công nghệ, Cử nhân Hóa học, Cử nhân Ngân hàng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

Bùi Thế Duy

Bùi Thế Duy

Năm sinh: 1978

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tin học

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Đỗ Đức Duy

Đỗ Đức Duy

Năm sinh: 1970

Học vấn: Thạc sĩ Xây dựng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguyễn Văn Gấu

Nguyễn Văn Gấu

Năm sinh: 1967

Học vấn: Cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Phan Văn Giang

Phan Văn Giang

Năm sinh: 1960

Học vấn: Tiến sĩ Khoa học quân sự

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Vũ Mạnh Hà

Vũ Mạnh Hà

Năm sinh: 1979

Học vấn: Tiến sĩ Y Khoa

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu

Nguyễn Thị Thu Hà

Nguyễn Thị Thu Hà

Năm sinh: 1970

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học, Cử nhân Tâm lý giáo dục

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trần Hồng Hà

Trần Hồng Hà

Năm sinh: 1963

Học vấn: Tiến sĩ Tổ chức, Khai thác khoáng sản

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; nước CHXHCN Việt Nam

Vũ Hải Hà

Vũ Hải Hà

Năm sinh: 1969

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý chính sách công, Cử nhân Luật, Cử nhân Ngôn ngữ

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Nguyễn Long Hải

Nguyễn Long Hải

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ Luật học

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Lê Khánh Hải

Lê Khánh Hải

Năm sinh: 1966

Học vấn: Cử nhân Chính trị

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

Ngô Đông Hải

Ngô Đông Hải

Năm sinh: 1970

Học vấn: Tiến sĩ Điện tử-Viễn thông, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình

Nguyễn Đức Hải

Nguyễn Đức Hải

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế chuyên ngành Tài chính - Tín dụng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCH Việt Nam

Nguyễn Thanh Hải

Nguyễn Thanh Hải

Năm sinh: 1970

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiêm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Nguyễn Tiến Hải

Nguyễn Tiến Hải

Năm sinh: 1965

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý hành chính công, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau

Tôn Ngọc Hạnh

Tôn Ngọc Hạnh

Năm sinh: 1980

Học vấn: Thạc sĩ Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Nguyễn Văn Hiền

Nguyễn Văn Hiền

Năm sinh: 1967

Học vấn: Cử nhân Khoa học quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thiếu tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân

Nguyễn Văn Hiếu

Nguyễn Văn Hiếu

Năm sinh: 1976

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý giáo dục, Cử nhân Luật, Cử nhân Hành chính, Trung cấp Quản lý nhà nước

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư Thành ủy Cần Thơ

Bùi Thị Minh Hoài

Bùi Thị Minh Hoài

Năm sinh: 1965

Học vấn: Thạc sĩ Luật, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Thành ủy Hà Nội

Lê Minh Hoan

Lê Minh Hoan

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế, Kiến trúc sư

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguyễn Thị Hồng

Nguyễn Thị Hồng

Năm sinh: 1968

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế phát triển

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

U Huấn

U Huấn

Năm sinh: 1980

Học vấn: Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum

Đoàn Minh Huấn

Đoàn Minh Huấn

Năm sinh: 1971

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lịch sử Đảng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Vương Đình Huệ

Vương Đình Huệ

Năm sinh: 1957

Học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế

Trịnh Việt Hùng

Trịnh Việt Hùng

Năm sinh: 1977

Học vấn: Tiến sĩ Quản trị kinh doanh

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

Lê Quốc Hùng

Lê Quốc Hùng

Năm sinh: 1966

Học vấn: Cử nhân Quản lý hành chính về trật tự xã hội

Chức vụ: Ủy viên trung ương Đảng; Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

Lữ Văn Hùng

Lữ Văn Hùng

Năm sinh: 1963

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguyễn Mạnh Hùng

Năm sinh: 1962

Học vấn: Thạc sĩ Kỹ thuật, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Viễn thông Vô tuyến

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Nguyễn Văn Hùng (Đã mất)

Nguyễn Văn Hùng (Đã mất)

Năm sinh: 1964

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Kinh tế

Nguyễn Văn Hùng

Nguyễn Văn Hùng

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Triết học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đỗ Trọng Hưng

Đỗ Trọng Hưng

Năm sinh: 1971

Học vấn: Tiến sĩ Triết học, Thạc sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn, Cử nhân Khoa học ngành Chính trị

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Lê Minh Hưng

Lê Minh Hưng

Năm sinh: 1970

Học vấn: Thạc sĩ Chính sách công

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Trần Tiến Hưng

Trần Tiến Hưng

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Tài chính tiền tệ, Cử nhân Tài chính-Tín dụng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Bùi Quang Huy

Bùi Quang Huy

Năm sinh: 1977

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Lê Quang Huy

Lê Quang Huy

Năm sinh: 1966

Học vấn: Tiến sĩ Công nghệ thông tin, Kỹ sư Xây dựng dân dụng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Điểu K’ré

Điểu K’ré

Năm sinh: 1968

Học vấn: Cử nhân Luật, Cử nhân Hành chính

Y Thanh Hà Niê Kđăm

Y Thanh Hà Niê Kđăm

Năm sinh: 1973

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý công, Cử nhân Kinh tế đối ngoại, Cử nhân Chính trị chuyên ngành Công tác tổ chức

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Lê Minh Khái

Lê Minh Khái

Năm sinh: 1964

Học vấn: Thạc sĩ Kế toán kiểm toán, Kỹ sư Kinh tế

Nguyễn Đình Khang

Nguyễn Đình Khang

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Đặng Quốc Khánh

Đặng Quốc Khánh

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình, Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp

Trần Việt Khoa

Trần Việt Khoa

Năm sinh: 1965

Học vấn: Tiến sĩ Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Nguyễn Xuân Ký

Nguyễn Xuân Ký

Năm sinh: 1972

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống, Cử nhân Khoa học-Môi trường

Chẩu Văn Lâm

Chẩu Văn Lâm

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Nông nghiệp

Tô Lâm

Tô Lâm

Năm sinh: 1957

Học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Luật học

Chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII

Đào Hồng Lan

Đào Hồng Lan

Năm sinh: 1971

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Y tế

Hoàng Thị Thúy Lan

Hoàng Thị Thúy Lan

Năm sinh: 1966

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Hầu A Lềnh

Hầu A Lềnh

Năm sinh: 1973

Học vấn: Thạc sĩ Khoa học Nông nghiệp

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Nguyễn Hồng Lĩnh

Nguyễn Hồng Lĩnh

Năm sinh: 1964

Học vấn: Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Nguyễn Văn Lợi

Nguyễn Văn Lợi

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Hành chính công

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Nguyễn Phi Long

Nguyễn Phi Long

Năm sinh: 1976

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh giao thông vận tải

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình

Lê Thành Long

Lê Thành Long

Năm sinh: 1963

Học vấn: Tiến sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Nguyễn Thanh Long

Nguyễn Thanh Long

Năm sinh: 1966

Học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Y học

Võ Minh Lương

Võ Minh Lương

Năm sinh: 1963

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Lê Trường Lưu

Lê Trường Lưu

Năm sinh: 1963

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Cử nhân Hành chính

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

Trương Thị Mai

Trương Thị Mai

Năm sinh: 1958

Học vấn: Thạc sĩ Hành chính công, Cử nhân Sử, Cử nhân Luật

Phan Văn Mãi

Phan Văn Mãi

Năm sinh: 1973

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Cử nhân Anh văn

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Lâm Văn Mẫn

Lâm Văn Mẫn

Năm sinh: 1970

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng

Trần Thanh Mẫn

Trần Thanh Mẫn

Năm sinh: 1962

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Lê Quang Mạnh

Lê Quang Mạnh

Năm sinh: 1974

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Châu Văn Minh

Châu Văn Minh

Năm sinh: 1961

Học vấn: Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ ngành Hóa

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lê Quốc Minh

Lê Quốc Minh

Năm sinh: 1969

Học vấn: Cử nhân Anh văn, Cử nhân Báo chí

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Phạm Bình Minh

Phạm Bình Minh

Năm sinh: 1959

Học vấn: Thạc sĩ Luật pháp và Ngoại giao

Trần Hồng Minh

Trần Hồng Minh

Năm sinh: 1967

Học vấn: Tiến sĩ Kỹ thuật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng

Lại Xuân Môn

Lại Xuân Môn

Năm sinh: 1963

Học vấn: Tiến sĩ Quản lý kinh tế, thạc sĩ Kinh tế học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Hồ Văn Mừng

Hồ Văn Mừng

Năm sinh: 1977

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Cử nhân Khoa học chuyên ngành Ngoại ngữ

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang

Giàng Páo Mỷ

Giàng Páo Mỷ

Năm sinh: 1963

Học vấn: Đại học An ninh

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu

Phạm Hoài Nam

Phạm Hoài Nam

Năm sinh: 1967

Học vấn: Kỹ sư Hàng hải

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Trần Văn Nam

Trần Văn Nam

Năm sinh: 1963

Học vấn: Cử nhân Luật, Cao cấp Thanh vận

Nguyễn Văn Nên

Nguyễn Văn Nên

Năm sinh: 1957

Học vấn: Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Hà Thị Nga

Hà Thị Nga

Năm sinh: 1969

Học vấn: Thạc sĩ Xây dựng Đảng và Nhà nước; Cử nhân Sư phạm Ngữ Văn

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang

Lê Thị Nga

Lê Thị Nga

Năm sinh: 1964

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Nguyễn Thanh Nghị

Nguyễn Thanh Nghị

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ Khoa học ngành Kỹ thuật xây dựng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Nguyễn Hữu Nghĩa

Nguyễn Hữu Nghĩa

Năm sinh: 1972

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên

Nguyễn Trọng Nghĩa

Nguyễn Trọng Nghĩa

Năm sinh: 1962

Học vấn: Cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Bùi Văn Nghiêm

Bùi Văn Nghiêm

Năm sinh: 1966

Học vấn: Tiến sĩ Khoa học chính trị, Thạc sĩ Chính trị học, Cử nhân Xây dựng Đảng & Chính quyền Nhà nước

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long

Trần Thanh Nghiêm

Trần Thanh Nghiêm

Năm sinh: 1970

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân

Nguyễn Duy Ngọc

Nguyễn Duy Ngọc

Năm sinh: 1964

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Nguyễn Quang Ngọc

Nguyễn Quang Ngọc

Năm sinh: 1968

Học vấn: Cử nhân Quân sự chuyên ngành Chỉ huy Tham mưu, Binh chủng hợp thành

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Quốc phòng

Thái Đại Ngọc

Thái Đại Ngọc

Năm sinh: 1966

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5

Phan Như Nguyện

Phan Như Nguyện

Năm sinh: 1976

Học vấn: Thạc sĩ Luật Kinh tế, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu

Hồ Văn Niên

Hồ Văn Niên

Năm sinh: 1975

Học vấn: Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai

Nguyễn Hải Ninh

Nguyễn Hải Ninh

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ Luật, Cử nhân Hành chính

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Hồ Đức Phớc

Hồ Đức Phớc

Năm sinh: 1963

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đặng Xuân Phong

Đặng Xuân Phong

Năm sinh: 1972

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai

Đoàn Hồng Phong

Đoàn Hồng Phong

Năm sinh: 1963

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Tổng Thanh tra Chính phủ

Lê Quốc Phong

Lê Quốc Phong

Năm sinh: 1978

Học vấn: Thạc sĩ Sinh học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Nguyễn Thành Phong

Nguyễn Thành Phong

Năm sinh: 1962

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Nguyễn Xuân Phúc

Nguyễn Xuân Phúc

Năm sinh: 1954

Học vấn: Cử nhân Kinh tế

Trần Quang Phương

Trần Quang Phương

Năm sinh: 1961

Học vấn: Cử nhân Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Vũ Hải Quân

Vũ Hải Quân

Năm sinh: 1974

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Trần Đức Quận

Trần Đức Quận

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Bùi Nhật Quang

Bùi Nhật Quang

Năm sinh: 1975

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế

Hoàng Đăng Quang

Hoàng Đăng Quang

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Toán, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Lê Hồng Quang

Lê Hồng Quang

Năm sinh: 1968

Học vấn: Tiến sĩ Luật, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy An Giang

Lê Ngọc Quang

Lê Ngọc Quang

Năm sinh: 1974

Học vấn: Cử nhân Báo chí

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Lương Tam Quang

Lương Tam Quang

Năm sinh: 1965

Học vấn: Cử nhân chuyên ngành Điều tra tội phạm

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an

Trần Lưu Quang

Trần Lưu Quang

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý công, Kỹ sư cơ khí

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Nguyễn Văn Quảng

Nguyễn Văn Quảng

Năm sinh: 1969

Học vấn: Tiến sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Thái Thanh Quý

Thái Thanh Quý

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Trịnh Văn Quyết

Trịnh Văn Quyết

Năm sinh: 1966

Học vấn: Cử nhân Xây dựng Đảng và cơ quan nhà nước

Chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Trần Văn Rón

Trần Văn Rón

Năm sinh: 1961

Học vấn: Tiến sĩ Triết học, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Vũ Hải Sản

Vũ Hải Sản

Năm sinh: 1961

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Bùi Thanh Sơn

Bùi Thanh Sơn

Năm sinh: 1962

Học vấn: Thạc sĩ Quan hệ quốc tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Nguyễn Kim Sơn

Nguyễn Kim Sơn

Năm sinh: 1966

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trần Văn Sơn

Trần Văn Sơn

Năm sinh: 1961

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Kinh tế xây dựng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Đỗ Tiến Sỹ

Đỗ Tiến Sỹ

Năm sinh: 1965

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân Sư phạm Toán

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Nguyễn Thành Tâm

Nguyễn Thành Tâm

Năm sinh: 1974

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế ngành Chính sách công, Cử nhân Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh

Dương Văn Thái

Dương Văn Thái

Năm sinh: 1970

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Lê Đức Thái

Lê Đức Thái

Năm sinh: 1967

Học vấn: Cử nhân Biên phòng

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Nguyễn Hồng Thái

Nguyễn Hồng Thái

Năm sinh: 1969

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng, Tư lệnh Quân khu I

Phạm Xuân Thăng

Phạm Xuân Thăng

Năm sinh: 1966

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ, Cử nhân Khoa học Hóa học

Huỳnh Chiến Thắng

Huỳnh Chiến Thắng

Năm sinh: 1965

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Nguyễn Trường Thắng

Nguyễn Trường Thắng

Năm sinh: 1970

Học vấn: Cử nhân Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Trung tướng, Tư lệnh Quân Khu 7

Nguyễn Văn Thắng

Nguyễn Văn Thắng

Năm sinh: 1973

Học vấn: Tiến sĩ Tài chính lý thuyết tiền tệ

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Nguyễn Xuân Thắng

Nguyễn Xuân Thắng

Năm sinh: 1957

Học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phạm Tất Thắng

Phạm Tất Thắng

Năm sinh: 1970

Học vấn: Tiến sĩ Xã hội học, Cử nhân Luật học, Cử nhân Sinh học - Kỹ thuật nông nghiệp

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Trần Đức Thắng

Trần Đức Thắng

Năm sinh: 1973

Học vấn: Tiến sĩ

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương

Vũ Đại Thắng

Vũ Đại Thắng

Năm sinh: 1975

Học vấn: Thạc sĩ Quan hệ quốc tế, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Lâm Thị Phương Thanh

Lâm Thị Phương Thanh

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Luật, Cử nhân Lịch sử

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Nguyễn Đức Thanh

Nguyễn Đức Thanh

Năm sinh: 1962

Học vấn: Cử nhân ngành Toán

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận

Nguyễn Thị Thanh

Nguyễn Thị Thanh

Năm sinh: 1967

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Thanh vận, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Phạm Viết Thanh

Phạm Viết Thanh

Năm sinh: 1962

Học vấn: Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Trần Sỹ Thanh

Trần Sỹ Thanh

Năm sinh: 1971

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Vũ Hồng Thanh

Vũ Hồng Thanh

Năm sinh: 1962

Học vấn: Kỹ sư Cơ khí

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Lê Văn Thành (Đã mất)

Lê Văn Thành (Đã mất)

Năm sinh: 1962

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý kinh tế

Nghiêm Xuân Thành

Nghiêm Xuân Thành

Năm sinh: 1969

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

Nguyễn Văn Thể

Nguyễn Văn Thể

Năm sinh: 1966

Học vấn: Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật giao thông

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Lê Đức Thọ

Lê Đức Thọ

Năm sinh: 1970

Học vấn: Tiến sĩ Quản lý Kinh tế, Thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Cử nhân Kế hoạch hóa Kinh tế Quốc dân

Võ Văn Thưởng

Võ Văn Thưởng

Năm sinh: 1970

Học vấn: Thạc sĩ Triết học

Lê Thị Thủy

Lê Thị Thủy

Năm sinh: 1964

Học vấn: Thạc sĩ Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam

Trần Quốc Tỏ

Trần Quốc Tỏ

Năm sinh: 1962

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật học, Tội phạm học, Điều tra tội phạm

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

Lê Tấn Tới

Lê Tấn Tới

Năm sinh: 1969

Học vấn: Tiến sĩ Tội phạm học và điều tra tội phạm

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Thiếu tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

Y Vinh Tơr

Y Vinh Tơr

Năm sinh: 1976

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý công, Kỹ sư Lâm nghiệp

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Phạm Thị Thanh Trà

Phạm Thị Thanh Trà

Năm sinh: 1964

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý giáo dục, Cử nhân Sư phạm

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ

Phan Đình Trạc

Phan Đình Trạc

Năm sinh: 1958

Học vấn: Đại học An ninh, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Dương Văn Trang

Dương Văn Trang

Năm sinh: 1961

Học vấn: Đại học Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum

Lê Minh Trí

Lê Minh Trí

Năm sinh: 1960

Học vấn: Đại học An ninh, Cử nhân Luật

Chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Lương Nguyễn Minh Triết

Lương Nguyễn Minh Triết

Năm sinh: 1976

Học vấn: Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh; Kỹ sư Công nghệ Silicat

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam

Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)

Nguyễn Phú Trọng (1944-2024)

Năm sinh: 1944

Học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Ngữ văn

Chức vụ: Tổng Bí thư

Lê Hoài Trung

Lê Hoài Trung

Năm sinh: 1961

Học vấn: Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Luật quốc tế và Ngoại giao

Chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

Nguyễn Đình Trung

Nguyễn Đình Trung

Năm sinh: 1973

Học vấn: Thạc sĩ Hành chính công, Cử nhân Luật tư pháp

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk

Trần Cẩm Tú

Trần Cẩm Tú

Năm sinh: 1961

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Vương Quốc Tuấn

Vương Quốc Tuấn

Năm sinh: 1977

Học vấn: Tiến sĩ Quản trị kinh doanh; Thạc sĩ Quản lý Quản lý giáo dục; Cử nhân khoa học Quản lý xã hội

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Ngô Văn Tuấn

Ngô Văn Tuấn

Năm sinh: 1971

Học vấn: Thạc sĩ Kinh tế

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Tổng Kiểm toán Nhà nước

Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Anh Tuấn

Năm sinh: 1979

Học vấn: Tiến sĩ Quản lý Kinh tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân ngành Ngân hàng tài chính

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh

Phạm Gia Túc

Phạm Gia Túc

Năm sinh: 1965

Học vấn: Thạc sĩ

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Hoàng Thanh Tùng

Hoàng Thanh Tùng

Năm sinh: 1966

Học vấn: Thạc sĩ Luật học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Lê Quang Tùng

Lê Quang Tùng

Năm sinh: 1971

Học vấn: Kỹ sư Cơ khí giao thông

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị

Nguyễn Thị Tuyến

Nguyễn Thị Tuyến

Năm sinh: 1971

Học vấn: Tiến sĩ Xây dựng Đảng, Cử nhân Luật

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bùi Thị Quỳnh Vân

Bùi Thị Quỳnh Vân

Năm sinh: 1974

Học vấn: Thạc sĩ Lý luận Văn học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi

Mùa A Vảng

Mùa A Vảng

Năm sinh: 1983

Học vấn: Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành Khuyến nông

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Huỳnh Quốc Việt

Huỳnh Quốc Việt

Năm sinh: 1976

Học vấn: Thạc sĩ Kỹ thuật Xây dựng công trình Giao thông, Kỹ sư Xây dựng ngành kỹ thuật công trình

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu

Huỳnh Tấn Việt

Huỳnh Tấn Việt

Năm sinh: 1962

Học vấn: Thạc sĩ Quản lý nhà nước, Cử nhân Kinh tế

Nguyễn Đắc Vinh

Nguyễn Đắc Vinh

Năm sinh: 1972

Học vấn: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hóa học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Lê Huy Vịnh

Lê Huy Vịnh

Năm sinh: 1961

Học vấn: Tiến sĩ Quân sự

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Nguyễn Minh Vũ

Nguyễn Minh Vũ

Năm sinh: 1976

Học vấn: Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Khoa học chính trị, Cử nhân Quan hệ quốc tế

Chức vụ: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao

Võ Thị Ánh Xuân

Võ Thị Ánh Xuân

Năm sinh: 1970

Học vấn: Cử nhân Sư phạm Hóa học

Chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố

An Giang
Lịch đại hội An Giang
Bí thư Tỉnh uỷ: Lê Hồng Quang (Ủy viên Trung ương Đảng) Phó Bí thư Tỉnh ủy: Lê Văn Nưng

Ban thường vụ

Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Minh Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Nguyên Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ngô Hồng Yến - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lưu Vĩnh Nguyên - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tấn Kiết - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiếc Hùng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Lèo - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đặng Thị Hoa Rây - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc