Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 - 25/1/1994)

Hội nghị tiến hành từ ngày 20 đến 25-1-1994 tại Hà Nội. Dự Hội nghị có 647 đại biểu của 64 đảng bộ trong cả nước. Các đồng chí cố vấn Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công đã tham dự.

Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và tổng kết một bước thực tiễn đổi mới từ Đại hội VI nhằm làm sáng tỏ thêm một số vấn đề trong quá trình đi lên CNXH ở nước ta, xác định những chủ trương và giải pháp lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VII, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục đi lên, đẩy tới một bước hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. 

Hội nghị xác định 4 nguy cơ trước mắt là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa ; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. 

Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng thể hiện sự đồng tâm nhất trí, nỗ lực vượt bậc, ra sức khai thác thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. 

Hội nghị đã thảo luận và ra nghị quyết thông qua Báo cáo chính trị, bầu bổ sung 20 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương theo quy định của Điều lệ Đảng.

Tin tức khác

Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hội trường Ba Đình lịch sử. Về dự Đại hội có 1.176 đồng chí đại biểu nam và nữ đại diện cho hơn hai triệu đảng viên ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau từ mọi miền của đất nước hoặc đang công tác ở nước ngoài.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng

Đại hội VII của Đảng có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, đánh giá những việc làm được, những việc có thể làm nhưng chưa làm được, những vấn đề mới nảy sinh, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và kinh nghiệm trên các lĩnh vực chủ yếu. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh, bổ sung và phát triển các chủ trương đổi mới của Đại hội VI, đề ra các phương hướng, nhiệm vụ lớn cho 5 năm 1991-1995.

Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000

Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở mang giáo dục, khoa học, văn hoá, y tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn ở tình trạng nông nghiệp lạc hậu, còn nặng tính chất tự cấp, tự túc. Trang bị kỹ thuật và kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội thấp kém. Cơ cấu kinh tế mất cân đối nặng. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp để lại nhiều hậu quả nặng nề. Nền kinh tế rất kém hiệu quả, năng suất lao động thấp, tích luỹ trong nước chưa đáng kể, còn lệ thuộc nhiều vào bên ngoài.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975, nhân dân ta tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đã đạt những thành tựu to lớn: thiết lập chính quyền nhân dân ở cả miền Nam, thống nhất nước nhà; khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới và cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế.