Lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM khẳng định việc phát triển nguồn nhân lực và áp dụng KH-CN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng để tiếp tục nâng cao tiềm lực và vai trò, vị thế của Việt Nam.
Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện.
Trình bày tham luận tại Đại hội, lãnh đạo Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều khẳng định, trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát triển nguồn nhân lực và áp dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng để tiếp tục nâng cao tiềm lực và vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Nội ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng
Tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết những năm gần đây, kinh tế Thủ đô đã vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước.
Dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, họp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ thành phố đã gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tường, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả toàn diện, quan trọng.
Công tác củng cố các cơ sở đảng, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có nhiều kết quả tích cực. Công tác cán bộ được thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ có chuyển biến rõ rệt.
Là Đảng bộ lớn nhất với 50 tổ chức đảng trực thuộc, chiếm gần 10% số lượng đảng viên của cả nước, Đảng bộ Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, Thủ đô Hà Nội đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.
Đặc biệt, thành phố tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.
[Đại hội XIII: Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân]
Trong 3 khâu đột phá, thủ đô Hà Nội ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.
Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch...
Cùng với tinh thần gương mẫu, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm cao trong việc chủ động nhận thức, tiên phong thực hiện, vận dụng sáng tạo, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất để “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chỉnh trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.”
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tri thức
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano... nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, điển hình như: Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong...
Đúc kết những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển. Thành phố khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế tri thức. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các đại biểu dự phiên tham luận tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 27/1. (Ảnh: TTXVN)
Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, Công viên Khoa học và công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán...
Đặc biệt, Thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi vừa có sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vừa có vai trò của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.
Thành phố đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội của Thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức.
Những giải pháp trên đã giúp kinh tế Thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao, giai đoạn 2016-2019 GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.
Để phát triển nhanh và bền vững, Thành phố đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức: Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài; tăng cường năng lực khoa học-công nghệ quốc gia để có thế tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học; đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ cần lựa chọn và có chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong “sân chơi” toàn cầu...
Bên cạnh đó, Thành phố tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.
Do vậy, cần tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.
Đỗ Bình / (TTXVN/Vietnam+)