Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước vào năm 2025.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 phát biểu bế mạc đại hội. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Sau 3 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, đoàn kết, phát triển, chiều 25/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc, thành công tốt đẹp.
Đại hội đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước vào năm 2025; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
Nhiệm kỳ 2020-2025, An Giang xác định phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng-an ninh là trọng yếu, thường xuyên; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh.
Giai đoạn này, tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Tỉnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.
[Bà Võ Thị Ánh Xuân tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy An Giang]
Để đạt được mục tiêu trên, An Giang xác định 3 khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Giai đoạn 2020-2025, An Giang đặt ra 16 chỉ tiêu tăng trưởng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5%-7%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4 đến 72,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.563-2.626 USD.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Tổng vốn đầu tư xã hội từ 164,6 đến 176 nghìn tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 41.303 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1-1,2%/năm…
An Giang phấn đấu đến năm 2025, có 11 bác sĩ/vạn dân và 28 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Hàng năm, 20% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém…
Một số giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2020-2025 được đề ra là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang; tập trung phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy phát triển mạnh bốn loại hình dịch vụ về dịch vụ du lịch, dịch vụ tín dụng, dịch vụ y tế, dịch vụ đô thị theo hướng chất lượng, hiện đại, tạo giá trị gia tăng phục vụ phát triển kinh tế.
Song song đó, tỉnh tập trung xây dựng các chính sách đòn bẩy để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn; đầu tư những công trình giao thông trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tập trung phát triển đồng bộ, liên hoàn hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối các điểm dân cư tập trung, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, khu du lịch; đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thành thị và nông thôn; xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp, phát triển các đô thị trung tâm, khu đô thị mới theo quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 43%.
Đặc biệt, tỉnh tập trung kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, an toàn, thông thoáng; thu hút và phát triển các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hình thành các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.
Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 48 đồng chí.
Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ gồm 14 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 9 người.
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy An Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu gồm 18 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu bế mạc Đại hội, bà Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI sẽ cụ thể hóa ngay Nghị quyết Đại hội bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện sớm nhất; phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự thống nhất cao về nhận thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra.”
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, bà Võ Thị Ánh Xuân kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thử thách, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, phấn đấu xây dựng An Giang quê hương của Bác Tôn kính mến ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
Thanh Sang / (TTXVN/Vietnam+)