Đại úy Mai Thanh Tài cho rằng với những nội dung của Quy định số 131-QĐ/TW, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt được những kết quả cụ thể; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Đại úy Mai Thanh Tài, Trợ lý Tổ chức Đảng, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về Kiểm soát Quyền lực, Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, người dân Đà Nẵng quan tâm và mong muốn quy định sẽ phát huy hiệu lực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại úy Mai Thanh Tài, Trợ lý Tổ chức Đảng, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, cho rằng phòng, chống tham nhũng có vai trò quan trọng với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp và quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Gần đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, Chống Tham nhũng cấp tỉnh, thành phố. Qua đó cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh quyết liệt.
Quy định số 131-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/10/2023 có vai trò hết sức quan trọng, quy định các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng chặt chẽ hơn; khắc phục được những lỗ hổng của các quy định trước. Điều đó được thể hiện rõ tại 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
“Với những nội dung của Quy định số 131-QĐ/TW, tôi cho rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt được những kết quả cụ thể; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong công cuộc đổi mới của đất nước,” Đại úy Mai Thanh Tài khẳng định.
[Quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực]
Cùng với quan điểm, ông Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên Đại học Sư Phạm Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng, nhận định hiện nay hành vi tham nhũng diễn ra rất tinh vi, với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, nhiều cán bộ có vai trò giám sát, kiểm tra tiêu cực lại móc nối với người tham nhũng để che đậy hành vi và cũng trở thành đối tượng tham nhũng, dẫn đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khó lại càng khó hơn.
Việc xây dựng và ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã góp phần bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong các hoạt động này.
Các cơ quan phòng, chống tham nhũng có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết trong 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được nêu ra trong Quy định, ông chú ý nhất đến quy định: “Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.” Trước đây nếu phát hiện hành vi này cơ quan chức năng rất khó xử lý, việc kiểm soát cũng chưa rõ ràng nên có nhiều người đã lợi dụng hành vi này để trục lợi.
Ông Thịnh mong muốn Nhà nước sẽ áp dụng hiệu quả Quy định này để kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; bảo đảm tính độc lập, khách quan, chấp hành nghiêm quy chế làm việc; qua đó củng cố lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng./.
Võ Văn Dũng / (TTXVN/Vietnam+)