Ban Kinh tế Trung ương sẽ ưu tiên hoàn thành đúng tiến độ các đề án trình Bộ Chính trị, đặc biệt là Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới pháp luật về đất đai.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ngày 15/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì xây dựng 7 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trong năm 2021.
Gần đây, Ban tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để trình Bộ Chính trị trong quý 1/2022.
Có thể thấy, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành chất lượng các đề án. Mặc dù trong điều kiện công tác còn có những khó khăn nhất định, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ban, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ban đã nhận thức rõ được trách nhiệm cá nhân trong từng hoạt động, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Ban Kinh tế Trung ương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, sự phối hợp hiệu quả của các ban đảng, các bộ, ngành, địa phương.
[Khối Doanh nghiệp TW nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong nửa cuối năm]
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động của Ban, nhất là việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các chương trình khảo sát, làm việc tại các địa phương, đơn vị.
Nguồn nhân lực hạn chế, lại phải triển khai đồng thời cùng lúc nhiều Đề án lớn nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu còn thiếu.
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Công tác nắm bắt thông tin phục vụ nghiên cứu, dự báo về xu thế phát triển kinh tế, các vấn đề liên quan còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó đoán định.
Để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị trong 6 tháng cuối năm, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và có kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Ban Kinh tế Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong đó, cần dành sự ưu tiên cao nhất cho việc triển khai xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị năm 2021, đặc biệt là Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (trình Hội nghị Trung ương 4).
Các cán bộ trong Ban tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Ban những vấn đề mới, những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy, kiện toàn cấp ủy Đảng đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Trong điều kiện biên chế còn hạn chế, cần nghiên cứu, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, huy động đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."
Các vụ, đơn vị trong Ban tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp; giữa Ban với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, chuyên gia... Ngoài việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế-xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cần phải phát huy mạnh mẽ chức năng kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng.
Từ đó, kịp thời tham mưu Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã được ban hành.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tin tưởng, với sự quyết tâm, thống nhất của tập thể lãnh đạo Ban, sự đồng lòng, nhất trí, đoàn kết của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế-xã hội, ngay từ đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tham mưu thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ biên tập; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai xây dựng nhiều đề án, trong đó có các đề án lớn như Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 4); Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5); Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (trình Hội nghị Trung ương 6)...
Các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị được Ban Kinh tế Trung ương tập trung triển khai quyết liệt với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao.
Ngoài tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội gắn với mục tiêu được nêu tại Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Công tác theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tiếp tục được Ban quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.
Thông qua theo dõi, giám sát, Ban Kinh tế Trung ương đã phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để các chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời thông tin, trao đổi để các cơ quan chức năng kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế./.
Phan Phương / (TTXVN/Vietnam+)