Điều quan trọng làm nên phép màu kinh tế của Việt Nam là sự ổn định chính trị, chính sách dân chủ và cơ sở hạ tầng cho sản xuất, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, thu hút được các công ty quốc tế.
Được tiến hành với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển,” với sự tham dự của 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu Đảng viên trên cả nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp.
Trong bài viết trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu quốc tế Kalinga, Tiến sỹ Vijay Sakhuja (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ) đánh giá "điều quan trọng nhất làm nên phép màu kinh tế của Việt Nam là sự ổn định chính trị, chính sách dân chủ và cơ sở hạ tầng cho sản xuất." VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Tại Đại hội, các đại biểu đã kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và nghe báo cáo về việc “thực hiện Nghị quyết của Đại hội kỳ trước, tổng kết 35 năm công cuộc Đổi Mới, 30 năm Cương lĩnh 1991, 10 năm Cương lĩnh 2011 (sửa đổi) và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, mục tiêu định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.”
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người vừa được tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các chính sách đối nội của Việt Nam được triển khai hiệu quả, Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và xử lý thành công đại dịch COVID-19 với chỉ 35 ca tử vong.
Nhiệm vụ của Đại hội cũng bao gồm đưa ra chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong 5 năm tới và trong tương lai. Chính sách đối ngoại của Việt Nam khá cân bằng và xử lý được quan hệ với các cường quốc một cách nhanh chóng, khéo léo như Trung Quốc (núi liền sông, có sự tương đồng rõ rệt về tư tưởng, đường lối phát triển, hệ thống xã hội và giá trị) và Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất, xuất siêu 56 tỷ USD vào năm 2019).
[Giữ nhịp tăng trưởng, xuất khẩu vượt 27 tỷ USD ngay tháng đầu năm]
Tương tự, các chính sách kinh tế của Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã duy trì tăng trưởng bền vững, đưa đất nước trở thành nước thu nhập trung bình. Do đó, Hà Nội nổi lên như là địa điểm đầu tư ưa thích.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (tâm lý nhà đầu tư suy giảm, cam kết đầu tư giảm 25% xuống còn 28,5 tỷ USD vào năm 2020), nhưng “các công ty nước ngoài vẫn rót 6,4 tỷ USD vào các dự án FDI hiện có, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào khoản đầu tư của mình tại Việt Nam và kỳ vọng vào sự tăng trưởng hơn nữa.”
Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương Quốc Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, thoả thuận thương mại lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu đã củng cố thêm xu hướng này.
Bài viết của Tiến sỹ Vijay Sakhuja đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu quốc tế Kalinga.
Theo ước tính, nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục phát triển trong thời gian tới với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 7% trong vòng 5 năm tới. Điều này sẽ giúp tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn Trung Quốc (được dự đoán tăng đạt 8,4% vào năm 2021, trước khi chậm lại còn 5,5% vào năm 2022). Standard Chartered dự báo rằng GDP Việt Nam sẽ vượt mốc 10.000 USD/người vào năm 2030. Đây là một câu chuyện tăng trưởng phi thường.
Những ưu tiên trước mặt của các nhà lãnh đạo Việt Nam là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tự tin rằng Việt Nam có thể trở “nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025.”
Hơn nữa, vào năm 2030, dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành “quốc gia có thu nhập trung bình cao” và trở thành “quốc gia phát triển, có thu nhập cao” vào năm 2045. Ưu tiên hiện tại của chính phủ Việt Nam là ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời “thúc đẩy sản xuất và tạo ra việc làm.”
Điều quan trọng nhất làm nên phép màu kinh tế của Việt Nam là sự ổn định chính trị, chính sách dân chủ và cơ sở hạ tầng cho sản xuất, được hỗ trợ bởi tự do hoá thương mại, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, nguồn nhân lực trẻ, có đào tạo với chi phí thấp, thu hút được nhiều công ty quốc tế. Đáng chú ý, Việt Nam đã rất chú trọng vào lĩnh vực công nghệ thông tin.
Năm 2019, lĩnh vực này đạt doanh thu 98,9 tỷ USD, trong đó 94 tỷ USD là từ hoạt động xuất khẩu. Chính phủ Việt Nam cũng cam kết khai thách công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuẩn bị cho một cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng công nghệ có thể giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045./.
(Vietnam+)