Chuyên gia quốc tế kỳ vọng vào vai trò của Việt Nam sau Đại hội XIII

Là một quốc gia trưởng thành, văn minh, Việt Nam chủ trương đa dạng hoá các mối quan hệ để đạt được các mục tiêu kinh tế, lợi ích chính trị và an ninh, đồng thời tự vệ trước những mối đe doạ tiềm ẩn.
Chuyen gia quoc te ky vong vao vai tro cua Viet Nam sau Dai hoi XIII hinh anh 1Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Đại hội XIII của Đảng (Nguồn: TTXVN)

Thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Trong bài viết được đăng trên tờ Times of India, Tiến sỹ SD Pradhan, nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ hy vọng rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại đa phương, góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.

Sau Chiến tranh Lạnh, môi trường quốc tế trở nên rất phức tạp. Những diễn biến mới đang tạo ra bất ổn và căng thẳng trong bối cảnh nhiều bên hành động và phản ứng theo những cách thức không xác định, mà thường là mang tính thù địch.

Đó là một môi trường quốc tế khó đoán định, không thể đưa ra các kế hoạch thông thường, nơi các giải pháp không mang lại kết quả mong muốn và liên minh trở thành biến số đòi hỏi các nước phải có suy nghĩ và hành động đột phá để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Môi trường an ninh hiện nay của Việt Nam đang tồn tại nhiều thách thức. Các tranh chấp trên Biển Đông đã diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm từ đầu thế kỷ 21. Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, coi thường luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Chính sách bành trướng của Trung Quốc không chỉ là vấn đề đối với các nước trong khu vực, còn còn cả các cường quốc ngoài khu vực. Sự cân bằng chiến lược tại khu vực đang bị đe doạ khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực đường chín đoạn trên Biển Đông. Trung Quốc cũng xây dựng và quân sự hoá nhiều đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp; đồng thời thường xuyên áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá, gây khó khăn cho ngư dân các nước ven biển khác trong khu vực, bao gồm Việt Nam.

Các tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc tấn công. Trung Quốc phản đối các thoả thuận giữa Việt Nam với nước ngoài về việc khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh với những áp lực đó.

Như một quốc gia trưởng thành và văn minh, Việt Nam đang sử dụng các cơ chế ngoại giao để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, chính sách “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đã được thông qua và có thể nói đây là một cách tiếp cận đa phương.

Việt Nam chủ trương đa dạng hoá các mối quan hệ để đạt được các mục tiêu kinh tế, lợi ích chính trị và an ninh, đồng thời tự vệ trước những mối đe doạ tiềm ẩn. Chính sách đối ngoại Việt Nam dựa trên ba cơ chế: Đối tác toàn diện/chiến lược, hiệp định thương mại và chủ nghĩa đa phương.

Việt Nam đã có quan hệ đối tác với nhiều nước, có hiệp định thương mại song phương và đa phương với một số nước, cũng như gắn chính sách đối ngoại với chủ nghĩa đa phương để thiết lập quan hệ mà không phân biệt định hướng tư tưởng.

Chức năng ngoại giao của Việt Nam được thể hiện ở 3 cấp độ. Đầu tiên là ở cấp độ song phương, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với một số nước như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước châu Âu và các nước ASEAN; đồng thời duy trì quan hệ bình thường với Trung Quốc như một nước láng giềng và sẽ bày tỏ quan ngại khi cần thiết.

Việt Nam đã thắt chặt quan hệ hơn với Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác. Thời gian gần đây, Mỹ đã trở nên quan tâm hơn đến các vấn đề Tây Á và buộc phải chú ý đến vấn đề Biển Đông bởi Việt Nam đã bày tỏ thái độ nghiêm túc thông qua cơ chế song phương.

[Chuyên gia: Đại hội XIII tiếp thêm động lực phát triển cho Việt Nam]

Việt Nam có quan hệ Đối tác Toàn diện với Mỹ. Năm ngoái, Mỹ đã công khai tuyên bố phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Đối với Nhật Bản, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe và Thủ tướng đương nhiệm Suga đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam, là minh chứng cho quan hệ đối tác bền chặt giữa hai nước.

Đối với Ấn Độ, mối quan hệ song phương chặt chẽ đã được nâng tầm lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng nhất. Hai nước có sự tương đồng sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực. Tương tự, với Nga, Việt Nam có quan hệ thân thiết trên cơ sở Đối tác Chiến lược Toàn diện; có quan hệ Đối tác Toàn diện với Australia, quan hệ Đối tác Chiến lược với Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Philippines. Đáng chú ý, quan hệ Việt-Trung được phát triển dựa trên mối quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Ở cấp độ thứ hai, Việt Nam sử dụng diễn đàn khu vực ASEAN để tìm giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù đã được ký kết, song DOC vẫn chỉ có giá trị về mặt giấy tờ bởi Trung Quốc không sẵn lòng thực thiện cam kết này. Việt Nam đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy Trung Quốc nhất trí với Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Bất chấp việc Bản dự thảo đơn nhất đã được chuẩn bị, Trung Quốc không tỏ ra thật sự quan tâm đến tiến độ COC. Trung Quốc cũng đang sử dụng biện pháp ép buộc để chia rẽ các nước ASEAN. Tất cả các đối tác của ASEAN đều ủng hộ việc sớm hoàn tất COC để ngăn Trung Quốc tạo ra các vấn đề mới. Tất cả các nước thuộc nhóm QUAD cũng đều thấy điểm tương đồng trong khái niệm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ và Triển vọng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN (AOIP). Cả hai đều ủng hộ việc thực hiện phán quyết của Toà PCA.

Chuyen gia quoc te ky vong vao vai tro cua Viet Nam sau Dai hoi XIII hinh anh 2Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và đã đảm bảo rằng ASEAN sẽ có một Tuyên bố Chủ tịch thống nhất về vấn đề Biển Đông. Kể từ năm 2012, ASEAN không thể đưa ra một tuyên bố thống nhất nào do sự ép buộc của Trung Quốc đối với một số nước. Vào tháng 6/2020, về tình hình Biển Đông, ASEAN tuyên bố “lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực.”

Các cụm từ như “một số nhà lãnh đạo,” “một số Bộ trưởng” đã không còn được sử dụng để bày tỏ quan ngại về hoạt động của Trung Quốc như trước đây. Đây là một thành tựu quan trọng của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Tuyên bố ASEAN cũng tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là cơ sở để ác định quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền hợp pháp khác đối với các vùng biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng duy trì quan hệ tốt đẹp với các diễn đàn đa phương khác như Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á-Âu, APEC, v.v...

Ở cấp độ thứ ba, Việt Nam tận dụng cơ chế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ hai năm 2020 và 2021. Vào tháng 4/2020, khi một tàu Việt Nam bị đánh chìm và toàn bộ thuỷ thủ đoàn bị bắt giữ, Việt Nam đã nêu vấn đề tại Liên hợp quốc, chỉ ra rằng “chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế.” Sau đó, Malaysia và Indonesia cũng đã nêu vấn đề tại Liên hợp quốc. Đã đến lúc phải vấn đề Biển Đông cần được nêu lên tại Liên hợp quốc.

Vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm vừa qua là rất đáng khen ngợi. Việt Nam đã thiết lập thành công một liên kết giữa Hội đồng Bảo an và ASEAN. Sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để Liên hợp quốc hỗ trợ các vấn đề liên quan ASEAN. Thành công trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an của Việt Nam đã được các thành viên khác của Hội đồng Bảo an hoan nghênh. Việt Nam đã chủ trì hơn 30 cuộc họp về các vấn đề an ninh tại Trung Đông, Syria, Colombia, Cộng hoà Trung Phi, Tây Phi; đánh giá hoạt động của các Phái bộ chính trị và gìn giữ hoà bình của LHQ tại Yemen, Síp và Libya.

Để phục vụ phát triển kinh tế, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại cả song phương và đa phương. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với EU và Liên minh kinh tế Á-Âu; đồng thời là thành viên của Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và WTO, sử dụng các cơ chế ASEAN trong các hiệp định thương mại.

Hy vọng rằng ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam, trong đó chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước và tiếp tục gắn bó với cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đạt được vị thế quan trọng ngày nay là nhờ chính sách này.

Để đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách đối ngoại hiện nay một cách mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế. Hệ thống quốc tế đa cực và liên kết chặt chẽ với nhau thường xuyên mang lại nhiều thay đổi do mục tiêu, ý định của các nước là khác nhau, dẫn đến việc không thể đoán trước tình hình.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cũng như phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới bởi trong hệ thống quốc tế đang diễn ra nhiều thay đổi có tính nền tảng. Ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ phải cân nhắc khía cạnh này khi xây dựng một chiến lược chủ động, toàn diện nhằm giúp Việt Nam có được nhiều lợi ích nhất, đồng thời đảm bảo các phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất./.

Tin tức khác