Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Việt Nam hiện đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh,” hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045.
Những dấu ấn mang tính đột phá và những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được sau 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII không những đưa đất nước phát triển nhanh mà còn góp phần đáng kể nâng cao uy tín và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, khi thế giới đang có nhiều biến động, những thành tựu của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản, càng thêm nổi bật và ý nghĩa.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) nhận định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam sẽ đưa ra các quyết sách để bảo vệ và phát huy những thành quả đã đạt được nhiều năm qua trong bối cảnh tình hình tình hình thế giới và khu vực tiếp tục thay đổi nhanh chóng và khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Bối cảnh đó vừa là thách thức, song cũng tạo ra không ít cơ hội.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng Đại hội XIII diễn ra khi Việt Nam đã trải qua một năm 2020 nhiều dấu ấn. Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 và nhờ đó đang có một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, cho rằng ngoài nguyên nhân Việt Nam đã chống dịch thành công, thành quả đó phần nào còn cho thấy sức dẻo dai, mức độ chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.
Không những thế, Việt Nam còn tận dụng được những vận động mới trong môi trường chiến lược, biến thách thức thành cơ hội, nhất là trong việc thu hút một số nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
[Phóng viên nước ngoài chia sẻ việc đưa tin trực tuyến về Đại hội Đảng]
Theo ông Lê Hồng Hiệp, Việt Nam hiện đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh,” hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045.
Cơ hội của Việt Nam cũng được mở rộng nhờ vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Tiến sỹ Takashi Hosoda - chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc trường Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc), nhận định: “Việt Nam được tôn vinh” khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp đa phương cho các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Á.
Nhiều chuyên gia quốc tế bày tỏ tin tưởng “Việt Nam hoàn toàn có thể lạc quan sẽ thành công do đã làm rất tốt thời gian qua.” Điều đó phần nào cho thấy Việt Nam đã tạo dựng được uy tín và sự tin tưởng trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức cả ở trong và ngoài nước. Về kinh tế, dù tăng trưởng dương trong năm 2020, song theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là củng cố nền tảng kinh tế vững chắc, năng động, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước phát triển, dần có thể đi vào các lĩnh vực phát triển theo chiều sâu, giảm dần phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài cũng như tạo đà cho Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, tăng cường đổi mới, sáng tạo.
Giáo sư Carl Thayer trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Nguyễn Minh/TTXVN)
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer cho rằng dịch bệnh COVID-19 vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu, chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam. Theo ông, sau Đại hội Đảng XIII, một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là bảo đảm nguồn cung cấp vaccine để tiêm phòng COVID-19 cho người dân trong nước.
Sau đó, Việt Nam sẽ xem xét mở cửa biên giới với bên ngoài, trước hết là để triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận thương mại tự do đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cần đề ra các kế hoạch hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, giúp người lao động có việc làm trở lại.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức nội tại không nhỏ khác mà Việt Nam đang phải đối mặt để từ đó đưa ra những chính sách giải quyết phù hợp. Đó là xu hướng dân số già hóa; bất bình đẳng thu nhập gia tăng; chất lượng giáo dục cải thiện nhưng chưa theo kịp yêu cầu phát triển, cơ sở hạ tầng dù liên tục được đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém; ô nhiễm môi trường; vấn đề biến đổi khí hậu và những hệ quả kèm theo ngày càng diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, thách thức lớn nhất với Việt Nam từ bên ngoài chính là môi trường quốc tế ngày càng bất định, với nhiều tác động khó lường từ sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các nước lớn, đặc biệt ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, việc giữ vững môi trường khu vực hòa bình, ổn định, từ đó duy trì đà phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi và thời cơ cũng như khó khăn và thách thức đan xen, Giáo sư Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga), cho rằng Việt Nam cần phải thực thi chính sách đối ngoại và đối nội một cách khôn khéo, linh hoạt nhằm kiên quyết bảo vệ lợi ích nhất quán của mình.
Ông Alexander Sokolovsky, Giáo sư Khoa châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Phương Đông - Đại học Liên bang Viễn Đông (DVFU) chia sẻ: “Cá nhân tôi không nghi ngờ gì về việc Đại hội sẽ thành công, bởi như lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là một lực lượng thực sự có ý chí kiên cường có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra và có khả năng đương đầu với mọi khó khăn. Người dân Việt Nam chắc chắn sẽ ủng hộ các quyết định của Đảng vì những quyết định đó phản ánh mục tiêu chính của Đảng là làm cho cuộc sống ở Việt Nam thịnh vượng và hạnh phúc.”
Nhận định của ông Alexander Sokolovsky được minh chứng bằng những tâm tư, niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng kiều bào từ khắp mọi nơi trên thế giới vào thành công của Đại hội Đảng lần này.
Giáo sư Alexander Sokolovsky, Đại học Liên bang Viễn Đông (DVFU). (Ảnh: TTXVN phát)
Đông đảo kiều bào, trong đó có nhiều nhà trí thức và doanh nhân đang học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài, đã rất tích cực và chủ động tham gia đóng góp những ý kiến mang tính xây dựng cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam đối với đồng bào ta sinh sống ở bên ngoài Tổ quốc “là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”
Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Từ Lào, Thái Lan, Campuchia tới CH Séc, Đức, Nga, Ai Cập, Australia... bà con Việt kiều đều tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ sáng suốt và công tâm lựa chọn đúng những người lãnh đạo mới có đủ đức, đủ tài, có tầm nhìn chiến lược để lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển.
Như tâm sự của ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, rằng kiều bào cảm thấy "tự tin và hãnh diện khi chưa bao giờ cuốn hộ chiếu Việt Nam lại có giá trị và ý nghĩa lớn lao đối với người Việt Nam ở nước ngoài như vào thời điểm hiện nay."
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng nhấn mạnh rằng: “Đại hội XIII của Đảng diễn ra đúng vào lúc Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt lên trong cộng đồng quốc tế với một hình ảnh rất tốt. Việt Nam đã đưa ra ‘tầm nhìn đến năm 2045’ một cách rõ ràng, đi sâu vào cuộc sống. Tầm nhìn này được thảo luận ở các địa phương cũng như các doanh nghiệp. Mọi người gần như dấy lên một khát vọng là Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 và dốc lòng cho sự nghiệp đó. Đây là điều đáng mừng và là nền tảng cho công cuộc cải cách sau Đại hội Đảng XIII bởi cải cách không chỉ là nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy của Đảng và Nhà nước mà đặc biệt là khát vọng dân tộc. Đây không chỉ là khát vọng ngàn năm của dân tộc mà còn có ý nghĩa sống còn.”
Nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Giám đốc khu vực châu Phi-châu Á-Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), nhận định: “Đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam sẽ tận dụng triệt để thành công của năm 2020 để tăng sức hấp dẫn của đất nước, đồng thời tái khẳng định rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã biết cách vượt qua khó khăn, trở ngại tốt hơn nhiều nước khác trên thế giới.”
Có thể khẳng định rằng niềm tin và khát vọng của người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài, đối với tương lai của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng sẽ là động lực và sức mạnh để Việt Nam vững vàng vượt qua các thách thức, tận dụng những thời cơ để thực hiện được những mục tiêu chiến lược đã đề ra, đưa nước ta phát triển thịnh vượng và bền vững./.
Phan Lương / (TTXVN/Vietnam+)