Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường quan hệ giữa Đảng với dân.
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai.
Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận, nêu rõ nhiệm vụ củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thực hiện khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong không khí nhân dân cả nước phấn khởi, tự hào, trân trọng về những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của đất nước về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, chính quyền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhân dân thể hiện niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Báo cáo Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tham luận với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội”; đồng thời khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm, hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho những thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để tổ chức Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động đã hướng vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng," các thành viên của Mặt trận đã xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện.
“Mặt trận đã trở thành ngôi nhà chung để các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, trí tuệ và khả năng của mình, góp phần tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu nặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét, mạnh mẽ," ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, qua thực tiễn công tác hoạt động, Mặt trận các cấp đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, yếu tố tiên quyết là bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc," khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên.
Quán triệt sâu sắc phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh," Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn; thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết; đấu tranh có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để phát huy kết quả đạt được, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.
Đồng thời, các ban, bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo; vận động đồng bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, đóng góp trí tuệ, tài năng, nguồn lực để xây dựng đất nước; thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, hình thành mặt trận rộng rãi, ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[Đại hội XIII: Phát huy lợi thế kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo]
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100.000 địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhắc lại lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc," “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém," ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần lựa chọn đội ngũ cán bộ Mặt trận bảo đảm năng lực, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, biết "lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin."
Với niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trân trọng và phát huy những thành quả toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định Mặt trận nguyện mang hết sức mình, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng-khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, niềm tự hào, tự tôn dân tộc-tự tin, đổi mới, sáng tạo-hun đúc ý chí, bản lĩnh, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân
Đồng tình với dự thảo Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh trình bày tham luận “Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân."
Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
"Lấy dân làm gốc” là một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các đại biểu dự phiên tham luận tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 27/1. (Ảnh: TTXVN)
“Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi. Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phưong thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng đó là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển đất nước," Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ.
Dưới sự lãnh đạo của toàn Đảng, sự điều hành của Nhà nước, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết nhiệm kỳ qua nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng ngày càng coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng chính đáng, quan tâm giải quyết những bức xúc trong nhân dân, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tạo đồng thuận, động viên nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển đất nước; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, đất nước, đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh công tác vận động nhân dân càng phải chú trọng và đổi mới mạnh mẽ, xây dựng lòng dân hướng về Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương công tác dân vận của Đảng theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp với tình hình mới.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động tương tác với người dân; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân một cách phù hợp.
Nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề xuất: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Các cấp chính quyền phải xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự xã hội, phục vụ nhân dân, lấy mục tiêu an dân trong các vấn đề chỉ đạo."
Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề xuất tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả hơn.
“Kiên quyết không bố trí cán bộ vi phạm kỷ luật, thiếu gương mẫu, đạo đức kém làm công tác dân vận," ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề xuất.
Thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh; phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân đóng góp cho xã hội, cho đất nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, trong hoạt động vận động nhân dân, thực hiện công vụ, cải cách hành chính, trong quan hệ với nhân dân nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.
“Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm của Đảng, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm và nỗ lực chung, chúng ta tin tưởng rằng công tác dân vận sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới," Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh./.
Hiền Hạnh-Diệp Trương / (TTXVN/Vietnam+)