Dự thảo các văn kiện trình Đại hội công phu, chất lượng và khoa học

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đánh giá đúng tình hình đất nước trong 5 năm qua và sau 35 năm đổi mới, đề cập đến những vấn đề mới cần thống nhất nhận thức trong cán bộ, Đảng viên.
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao, các cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội đã tham gia ý kiến đóng góp xây dựng vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và khẳng định các văn kiện được xây dựng công phu, chất lượng, bố cục nội dung khoa học.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đúng tình hình đất nước trong 5 năm qua và sau 35 năm đổi mới, đề cập đến những vấn đề mới cần thống nhất nhận thức và đồng thuận trong cán bộ, Đảng viên và tầng lớp nhân dân.

Đánh giá cao về các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội khẳng định, các dự thảo báo cáo được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phương pháp xây dựng bố cục và nội dung rõ ràng, chi tiết, không chỉ có báo cáo chung mà có cả các báo cáo chuyên đề. Trong đó, dự thảo Báo cáo chính trị mang tính tổng kết khá cụ thể, dễ hiểu.

Các dự thảo báo cáo đều cập nhật thông tin tốt, với những thông tin mới ở trong nước và quốc tế, được đưa vào một cách nghiêm túc, khoa học.

Đối với dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, ông Phạm Ngọc Thảo cho rằng, đánh giá về nhiệm kỳ vừa rồi cho thấy, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư rất nghiêm túc, ban hành các văn bản kịp thời, đáp ứng được thực tế, cả về đường hướng, tổ chức, chỉ đạo Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc…

Về bộ máy Đảng được thu gọn nhiều, theo đó, hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nghiêm minh, nhất là kiểm tra Trung ương, được thể hiện qua số vụ việc đã thực hiện kiểm tra, xử lý; vì vậy có tác dụng củng cố tổ chức Đảng. Trung ương Đảng chỉ đạo sát sườn Nhà nước nên bộ máy Nhà nước đã tinh giản, từ các bộ đến hệ thống quản lý các địa phương, cụ thể hóa các quy chế về đánh giá, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm.

Đảng cũng quan tâm nhiều đến hệ thống mặt trận và công tác dân vận. Công tác đối ngoại cũng có nhiều chuyển biến, vị thế của Việt Nam đã được khẳng định.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thảo cũng cho rằng, việc học tập, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài vào Việt Nam có lúc, có nơi, có việc chưa phù hợp thực tiễn như Luật đặc khu.

Hiệu lực triển khai tổ chức Đảng, chấp hành kỷ luật đảng của tổ chức Đảng và chính quyền ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hiệu lực trong quản lý chính quyền địa phương nhiều nơi chưa tốt.

[Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Trí tuệ và tâm huyết của tuổi trẻ]

Ông Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cũng nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng và các dự thảo khác.

Tuy nhiên, về mảng văn học nghệ thuật, ông Trần Quốc Chiêm kiến nghị: Tiếp tục giáo dục, quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quá trình tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đi đôi với triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2020-2030), đặc biệt là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cần rà soát chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật ở cả Trung ương và từng địa phương.

Theo đó, cần coi đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật là đầu tư cho phát triển, cần được bổ sung tương thích với đầu tư kinh tế; xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư, khắc phục nhanh hiện tượng đầu tư dàn trải, manh mún.

Cùng với đầu tư Nhà nước bằng ngân sách, cần mở rộng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; gắn kết chặt chẽ hơn nữa phong trào văn hóa, văn học, nghệ thuật với các phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Nhà nước cần mở rộng và coi trọng nâng cao chất lượng đối ngoại trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; đặc biệt khơi dậy lòng tự hào, ý thức sáng tạo của đội ngũ làm văn hóa, văn học, nghệ thuật; đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghệ sỹ, chiến sỹ.

Cũng theo ông Trần Quốc Chiêm, hiện nay, cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật thực hiện chủ yếu thông qua sự hỗ trợ kinh phí các hội chuyên ngành địa phương và hoạt động sáng tác của các hội viên.

Để được hỗ trợ, các văn nghệ sỹ phải đăng ký trước, trình bày bản thảo hoặc phác thảo để được xét duyệt.

Tuy nhiên, những quy định này đang hạn chế phần nào hoạt động sáng tạo của nghệ sỹ vốn mang đặc thù cá nhân và phụ thuộc vào sự thăng hoa của nghệ thuật.

Hơn nữa, để dung hòa giữa định hướng chung của Nhà nước và các quy định tài chính khi tài trợ hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật với cái riêng của sáng tạo cá nhân người nghệ sỹ, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần thay đổi, chuyển từ tài trợ sang hỗ trợ sáng tác, trong đó tập trung hỗ trợ chiều sâu nhằm khuyến khích phát triển các tác phẩm, công trình có chất lượng./.

Tin tức khác