Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định 19 nhóm chỉ tiêu trên các lĩnh vực chính và 3 khâu đột phá gồm: cải thiện môi trường đầu tư' phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Ngày 28/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương triệu tập Hội nghị lần thứ 25, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Dự thảo Báo cáo Chính trị; kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tại hội nghị, thảo luận và góp ý vào dự thảo lần ba Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đã thống nhất chủ đề của Báo cáo là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2035, Hải Dương là thành phố trực thuộc Trung ương."
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định 19 nhóm chỉ tiêu trên các lĩnh vực chính và 3 khâu đột phá gồm: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên cho công trình giao thông, phát triển đô thị, đô thị thông minh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao.
[Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2035]
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng một số dự án, công trình trọng điểm như: tuyến đường giao thông nối Hải Dương với Hưng Yên với quy mô đường cấp III; Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thuộc Khu Liên hợp Văn hóa thể thao tỉnh; xây dựng hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin cho chính quyền điện tử, đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương...
Đối với kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với các nội dung của Kế hoạch tổ chức như: tổ chức Đại hội gồm 4 nội dung theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị; tiến độ xây dựng các văn kiện, dự kiến số lượng và quy trình công tác nhân sự, công tác tuyên truyền và phục vụ, công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội, phân công tổ chức thực hiện. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhất trí triệu tập Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào tháng 10/2020, số lượng đại biểu triệu tập dự đại hội là 350 đồng chí.
Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Hải Dương đã tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, các đề an để triển khai.
Sau 5 năm thực hiện, về sắp xếp tổ chức bộ máy, đối với cấp tỉnh, Hải Dương đã tiến hành sắp xếp giảm 29 tổ chức trong các sở, ban, ngành đoàn thể; giảm 90 đơn vị sự nghiệp và 154 tổ chức trong đơn vị sự nghiệp; giảm 21 ban chỉ đạo và 2 tổ chức phối hợp liên ngành.
Ở cấp huyện, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 2 tổ chức hành chính và 52 đơn vị sự nghiệp; cấp xã giảm 30 đơn vị hành chính cấp xã (toàn tỉnh còn 235 xã, phường, thị trấn); sắp xếp giảm 135 thôn, khu dân cư (toàn tỉnh từ 1.469 còn 1.334 thôn, khu dân cư).
Về thực hiện một số mô hình thí điểm, 12/12 huyện, thành phố, thị xã bố trí Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. 9/12 đơn vị bố trí Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. 4/12 đơn vị bố trí Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ. 2/12 huyện bố trí Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đồng thời là Chánh thanh tra.
Tỉnh thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ở 2/12 huyện (Kim Thành, Bình Giang). 6/12 đơn vị thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp huyện. 29/235 xã, phường, thị trấn thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân.
Tỉnh đã quyết định kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh từ ngày 1/1/2020. Đến tháng 3/2020, toàn tỉnh có 1174/1.334 thôn, khu dân cư bố trí Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, khu dân cư, đạt 88%; giảm được 4.143 người hoạt động không chuyên trách. Trước khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, toàn tỉnh có 552 trưởng thôn, khu dân cư không phải là đảng viên, đến nay chỉ còn 5 người.
Về biên chế, Hải Dương đã giảm 389 công chức (giảm 11,33%), 3.307 viên chức các đơn vị sự nghiệp (giảm 9,54%), 221 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (giảm 25,9%), 417 cán bộ, công chức cấp xã (giảm 8,2%); thực hiện chế độ chính sách về tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho 743 người, với kinh phí từ ngân sách tỉnh là 55,2 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu Tiểu ban Văn kiện tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu; rà soát để chắt lọc, đánh giá sâu sắc hơn nữa tình hình của tỉnh để bổ sung hoàn thiện dự thảo Báo cáo; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, liên tục cập nhật dữ liệu để bám sát và đánh giá kịp thời, đảm bảo phản ánh đúng tình hình, đồng thời đề xuất điều chỉnh những định hướng phát triển nếu cần.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 39, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thẳng thắn chỉ rõ việc tinh giản biên chế mới tập trung chủ yếu vào các đối tượng dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp và do nguyện vọng cá nhân, chưa thực hiện được nhiều đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Về nguyên nhân, tập trung chủ yếu vào việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức chưa quyết liệt, còn nể nang, né tránh, chưa chỉ ra được người yếu kém để tinh giản; có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sắp xếp các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn; nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn; cấp ủy cấp huyện đẩy mạnh sắp xếp, điều động, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là ở những đơn vị hành chính mới sáp nhập, gắn với việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư; đẩy mạnh việc bố trí kiêm nhiệm để tinh giản, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách theo đúng quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng lưu ý tiếp tục thực hiện nghiêm việc giảm chỉ tiêu biên chế trong các cơ quan Đảng, hành chính Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đơn vị sự nghiệp trong giai đoạn 2016-2021; đồng thời có kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu biên chế công chức giữa các khối phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn và trên cơ sở rà soát, hoàn thiện, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung quyết liệt tinh giản biên chế trên cơ sở thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; quyết tâm tinh giản những người không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định. Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là tiêu chí để đánh giá, xếp loại hằng năm và cả nhiệm kỳ đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan./.
Mạnh Tú / (TTXVN/Vietnam+)