Nhiều cán bộ, Đảng viên tại Hà Nội đánh giá cao việc kỷ luật, xử lý nghiêm minh của Đảng trong chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, đúng kỷ cương, phép nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra từ ngày 3 - 9/10 tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận cả nước.
Nhiều cán bộ, đảng viên, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân nhận xét, hội nghị đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Đặc biệt, hội nghị đã tiếp tục nêu cao tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị…
Củng cố niềm tin yêu với Đảng
Quan tâm, theo dõi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là bài phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh (40 năm tuổi Đảng, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) rất tâm đắc với điểm mới của Hội nghị là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định để ba Ủy viên Trung ương Đảng sau khi bị kỷ luật, thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, các Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của Đảng, về những điều đảng viên không được làm để xảy ra nhiều sai phạm trong tổ chức, cơ quan do mình quản lý... Do vậy, việc bị kỷ luật, cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật là hết sức đúng đắn.
Từ việc kỷ luật trên cho thấy mục đích chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên là rất rõ ràng. Bởi tham nhũng, tiêu cực thường diễn ra ở những người có chức, có quyền, do tha hóa quyền lực mà gây tổn hại nhiều mặt đến đời sống xã hội, thậm chí vi phạm quyền con người. Vì vậy, thái độ trong chống tham nhũng, tiêu cực là phải thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.
[Thông báo Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII]
Nguyên là giáo viên, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh nêu quan điểm, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, tôi tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, sẽ không những không làm ảnh hưởng mà còn tạo sinh khí mới, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ để đánh thắng “giặc nội xâm” và Đảng ngày càng vững vàng, bản lĩnh, tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Ông Phạm Tiến Vinh ( 67 tuổi, 34 năm tuổi đảng, Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 3, phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất kiên quyết, dứt khoát. Đây là công việc quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần vủng cố lòng tin trong nhân dân đối với Đảng.
Về những vấn đề này ở các giai đoạn trước đây, chúng ta cho là nhạy cảm, có phần né tránh, thì hiện tại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Chính vì thế, thời gian qua nhiều cán bộ đảng viên, bị thi hành kỷ luật, đây là vụ việc đau xót, không chỉ đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước mà ngay trong cả đội ngũ cán bộ đảng viên khi thấy các đồng chí mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tới mức phải xử lý hình sự.
Dư luận trong nhân dân đánh giá cao chủ trương xử lý nghiêm minh của Đảng, cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, đúng kỷ cương, phép nước.
Gương mẫu - nói phải đi đôi với làm
Đề cập đến phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có nhấn mạnh quan điểm “Để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Bí thư Chi bộ thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội Lê Thị Dĩnh cho rằng, việc đổi mới phương thức phải lấy hiệu quả trong thực tiễn làm thước đo. Để đổi mới, đầu tiên phải thực hiện nói đi đôi với làm. Muốn làm được điều này, trước hết, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.” "Nói đi đôi với làm" không chỉ là nguyên tắc, đạo đức, lẽ sống mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trong sáng của mỗi con người.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch trong cách nói, cách làm trong công việc. Mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, thường xuyên tổ chức tự phê bình và phê bình, rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Đây là một nguyên tắc và là cơ sở xây dựng đức tính trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Phát hiện và nhân rộng điển hình, gương người tốt, việc tốt đi đôi với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Muốn hướng dẫn nhân dân, bản thân cán bộ phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Điều này càng đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo quản lý phải nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện nêu gương từ việc nhỏ đến lớn, từ việc riêng đến việc chung. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình phấn đấu thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên làm bất kỳ việc gì cũng phải gương mẫu.”
Thực hiện làm đúng những gì đã nói, làm tốt những việc cần làm, đáng làm vì lợi ích của quê hương, đất nước, lợi ích chính đáng của nhân dân; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, dân chủ, khoa học và phải là hạt nhân hội tụ đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
Với mỗi cán bộ, đảng viên, việc lời nói đi đôi với việc làm rất quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng nói theo, “nói đi đôi với làm” còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên nêu gương trước nhân dân. Bởi “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” như lời Bác dạy.
Bà Lê Thị Dĩnh cho rằng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là cần thiết để đáp ứng với tình hình mới. Trong quá trình thực hiện cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và kỷ luật Đảng./.
Thắng Trung-Thanh Hương / (TTXVN/Vietnam+)