Các đại biểu tỉnh Kiên Giang đã nhìn nhận, đánh giá và gửi gắm những ý kiến đến Đại hội với tâm thế tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để đất nước ngày càng phát triển.
Rất nhiều cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm rực rỡ, băng rôn, biểu ngữ,… được trưng lên để chào đón sự kiện trọng đại của Đảng và đất nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Về dự Đại hội XIII của Đảng, Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang có 18 đại biểu, đại diện cho gần 60.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Với tâm huyết của mình, các đại biểu đã nhìn nhận, đánh giá và gửi gắm những ý kiến đến Đại hội với tâm thế tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để đất nước ngày càng phát triển.
Chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhìn nhận tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong nhiệm kỳ qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Hồng Thắm cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng ở hầu hết các lĩnh vực, tạo được dấu ấn nổi bật, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong bức tranh tổng thể đó, bà Lê Hồng Thắm đánh giá rất cao nỗ lực trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 120, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, ngành trong xây dựng chính sách, nhất là từng bước chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rõ nét. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra.
Biến đối khí hậu đã tạo ra những tác động kinh tế, xã hội sâu rộng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc cung cầu hàng hóa, dịch vụ ở hầu hết các lĩnh vực đối với nền kinh tế trong khu vực.
Đồng bằng sông Cửu Long đang cung cấp gần 60% sản lượng lúa và 40% lượng thủy sản trong cả nước.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, trong khoảng 100 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấp hơn mực nước biển một mét.
Hiện nay, theo các nghiên cứu khảo sát tại tỉnh Cà Mau, mỗi năm nơi đây xảy ra sụt lún từ 1-1,5 cm. Nỗi lo lớn nhất đối với Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển dâng.
Nếu nước biển dâng cao 100cm, sẽ có khoảng 38% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.
Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%). Trong khi đó, nơi đây thường xuyên bị ảnh hưởng của nước mặn, nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước, như Tràm Chim, U Minh Thượng, Làng Sen, Trà Rai, Hà Tiên, Bãi Bồi, Đất Mũi… sẽ trở nên kém bền vững hơn.
Bên cạnh đó, với việc khai thác quá mức nguồn nước trên sông Mekong cho các công trình thủy điện ở thượng nguồn khiến khu vực hạ nguồn (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) xảy ra hạn mặn ngày càng khốc liệt vào mùa khô.
Xâm thực biển, sạt lở sông đe dọa nghiêm trọng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Do đó, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, củng cố đê kè, chống xâm thực, chống ngập mặn góp phần phục vụ sản xuất, hạn chế những tác hại của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé (giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 11/2019).
Đây là công trình có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt-mặn-lợ, ngọt-lợ) luân phiên trên diện tích hơn 384.000ha. Giai đoạn 1 của dự án tác động đến 4 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và một phần Cà Mau sẽ giúp hạn chế biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Cống Cái Lớn và Cái Bé khi hoàn thành sẽ khép kín được tuyến đê biển Tây từ Phú Tân (Cà Mau) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Không chỉ Kiên Giang mà các tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau được bảo vệ trước những tác động bất thường từ biển.
Là đại biểu đến từ một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, bà Lê Hồng Thắm cho rằng những đánh giá, bài học kinh nghiệm rút ra từ phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước trong giai đoạn tới rất cần có những nghiên cứu khoa học và dự báo chính xác tác động của biến đổi khí hậu.
Từ đó, đề ra các chính sách để giảm thiểu những tác động xấu đến phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Chính phủ cần tích cực tham gia và đề xuất các điều ước quốc tế nhằm cam kết giảm thiểu các tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu, với tư cách là một quốc gia đang chịu nhiều tác động, rủi ro do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.
Đồng thời, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; chủ động giám sát ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh ít chất thải, giảm nhẹ phát sinh khí thải nhà kính cacbon thấp, tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch xây dựng cơ chế liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận (Kiên Giang) Lê Trung Hồ nhìn nhận trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ðảng đã phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường đối ngoại, chăm lo đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.
Công tác phòng, chống tham nhũng đã được tập trung quyết liệt, phát huy hiệu quả cao, đem lại niềm tin cho các tầng lớp nhân dân.
Cụ thể, tình trạng tham nhũng bước đầu được ngăn chặn; kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu các cấp; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân...
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng, hiệu quả sử dụng được nâng cao; đặc biệt, đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép,” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội…
Theo đó, uy tín, vị thế của Đảng, đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.
Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ, một trong những đổi mới quan trọng có tính đột phá trong nhiệm kỳ này là đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Việc đánh giá đối với cán bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác.
Đánh giá cán bộ một cách toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, kết quả công tác và sức khỏe. Công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ được đặc biệt quan tâm, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng.
Có thể khẳng định những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo dấu ấn nổi bật, là điểm tựa cho những năm tiếp theo mà còn tạo ra niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới./.
Lê Sen / (TTXVN/Vietnam+)