Cùng với đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đồng chí Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Hải Dương cần chú trọng bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Sáng 26/10, tại thành phố Hải Dương, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc.
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, dự và chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực; lãnh đạo tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ và 350 đại biểu chính thức đại diện đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Đại hội có chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.”
Hải Dương cần xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Đồng chí đề nghị Đại hội cần tập trung trí tuệ, tiếp tục thảo luận, phân tích, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó xác định chủ trương đột phá gắn với các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, cụ thể để sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trên trong nhiệm kỳ 2020-2025.
[Hải Dương: Nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nhiệm vụ chính trị]
Đồng chí Phạm Bình Minh yêu cầu các đại biểu phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng của tỉnh, trên cơ sở đó thảo luận sâu sắc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thiết thực, phù hợp, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong thời gian tới Đảng bộ tỉnh Hải Dương cần: Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững dựa trên các trụ cột chính (công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ chất lượng cao, phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại).
Tỉnh cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tận dụng tốt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng chuyển dịch đầu tư đang diễn ra trên thế giới, các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực ưu tiên để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh. Trong đó, tỉnh cần chú ý phát triển doanh nghiệp nội địa và nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đồng chí Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Hải Dương cần chú trọng bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả nhất. Hải Dương cần quan tâm xây dựng đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với phát triển khoa học và công nghệ; từng bước xây dựng “công dân điện tử” thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới.
Đồng chí Phạm Bình Minh trao tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúc mừng Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Hải Dương cũng cần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, tỉnh cẩn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh Hải Dương cần thấm nhuần lời dặn của Bác, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên.
Cùng với đó, tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền nhằm góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống, đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,1%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng, tương đương khoảng 3.020 USD. Quy mô kinh tế tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 207.865 tỷ đồng, tăng bình quân 13,5%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 83.375 tỷ đồng.
Từ năm 2017, Hải Dương là 1 trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh trong nhiệm kỳ đạt khoảng 4,3 tỷ USD.
Một trong những kết quả nổi bật của Hải Dương nhiệm kỳ qua là đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cho toàn bộ các xã và huyện trong tỉnh. Hiện, đã có 7/12 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 5/12 đơn vị cấp huyện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí theo quy định; 163/178 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, còn 15 xã đang hoàn thiện thủ tục để đề nghị công nhận đạt chuẩn.
Công tác nâng cấp, phát triển đô thị đạt kết quả nổi bật, một loạt các đô thị được nâng cấp như thành phố Hải Dương lên đô thị loại 1; thị xã Chí Linh lên thành phố; huyện Kinh Môn lên thị xã. Hải Dương đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chất lượng giáo dục toàn diện có bước tiến bộ; nhiều tiêu chí về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đạt cao, vượt trội so với toàn quốc; thành tích học sinh giỏi quốc gia trong tốp đầu cả nước. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 78,5% lên 90,5%.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII được thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Hải Dương là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả đã sắp xếp giảm 1 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 30 đơn vị hành chính cấp xã, 135 thôn, khu dân cư, 142 đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dần đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về nêu gương; trong đó đã lựa chọn 3 công việc trọng tâm, mang tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc nêu gương, thực hiện nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực.
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Hải Dương đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng, tương đương 4.800 USD; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đến năm 2025 đạt 95%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%.
Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2025 đạt 0,77. Tỉnh phấn đấu giảm 4/5 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn mới; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 đạt 80%.
Đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu 100% các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu. Hàng năm, có từ 80% tổ chức cơ sở đảng và 90% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Mỗi năm kết nạp từ 2.200 đảng viên mới trở lên...
Để đạt được những mục tiêu trên, Hải Dương đề ra 3 khâu đột phá. Trong đó, tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo.
Hải Dương huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Tỉnh cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp khả thi, sát thực tiễn để thực hiện.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 25 đến 27/10.
[Photo] Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII
Mạnh Tú-Mạnh Minh / (TTXVN/Vietnam+)