Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị tỉnh Vĩnh Long tập trung, dồn sức thực hiện quyết liệt 3 khâu đột phá để tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết điểm nghẽn của sự phát triển.
Ông Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với các đại biểu tham dự đại hội. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Ngày 24/9, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững.”
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng tham dự Đại hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ. Trên 340 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 42.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự Đại hội.
Trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ cơ bản, 3 khâu đột phá và 6 chương trình hành động, từ đó mang lại những kết quả tích cực, toàn diện và quan trọng.
Kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm ước đạt 4,9%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long huy động 3.707 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 54/87 xã đạt chuẩn và một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trước 2 năm.
[Tỉnh Vĩnh Long hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở]
Trong nhiệm kỳ, tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công và các đối tượng xã hội; giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, bình quân hàng năm giảm trên 1% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 1,16%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng qua các năm ước đạt 90,2%.
Ông Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo đại hội. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện, có hiệu quả, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đó mang lại kết quả bước đầu khá tích cực.
Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở; dân chủ xã hội được mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được phát huy.
Những thành quả đạt được sau 35 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới để Vĩnh Long phát triển và trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhấn mạnh, nhiệm kỳ tới, Vĩnh Long sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ và thuận lợi. Một số công trình, dự án được Trung ương và tỉnh đầu tư sẽ hoàn thiện, phát huy hiệu quả, làm tăng khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, khó khăn và thách thức cũng không ít, nhất là với một tỉnh nông nghiệp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; nhiều nguồn lực chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả; hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; cùng với đó là những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn…
Vì vậy, tỉnh phải tranh thủ thời cơ và thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư.
Tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng lao động, thực hiện tốt các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, xã hội và các vấn đề về đời sống, thu nhập, giảm nghèo; tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Xây dựng Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao và biểu dương những thành tựu quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Vĩnh Long sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đi kèm với đó là thời cơ và vận hội phát triển.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón phát biểu khai mạc đại hội. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần tập trung, dồn sức thực hiện quyết liệt 3 khâu đột phá để tạo sự chuyển biến căn bản, có tính quyết định trong giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt của sự phát triển. Nếu không thực hiện thành công 3 khâu đột phá thì khó thực hiện được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
"Vĩnh Long cần có giải pháp đột phá, quyết liệt để giải quyết vấn đề sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; chuyển đổi theo hướng sản xuất quy mô lớn, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng thích ứng với biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn. Tỉnh cũng cần tiếp tục dồn sức cho xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị; đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất," ông Ngô Xuân Lịch đề nghị.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cần tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh do hiện nay hai chỉ số này rất thấp, trong đó chỉ số cải cách hành chính đứng áp chót trong cả nước.
Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình phát triển để hội nhập quốc tế và tham gia thành công cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm.
Tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; coi trọng phát triển Đảng; đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là các bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ nữ; xây dựng các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh, tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá mà Báo cáo chính trị đã đề ra.
Đại tương Ngô Xuân Lịch tin tưởng, với vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng - nơi địa linh, nhân kiệt, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết một lòng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, cùng cả nước chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế và tham gia mạnh mẽ vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo chương trình, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra đến hết ngày 26/9./.
Phạm Minh Tuấn / (TTXVN/Vietnam+)