Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa phát huy nội lực, bởi đây là nhân tố quyết định, chiến lược cơ bản lâu dài, tranh thủ tối đa ngoại lực để đột phá đi lên.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ngày 10/7. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Ngày 29/7, Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được tổ chức.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Trung ương và địa phương đã dự lễ.
Tại Lễ kỷ niệm, ông Phạm Minh Chính chúc mừng Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành.
Được thành lập vào ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là một trong số ít Đảng bộ được thành lập sớm nhất trên toàn quốc. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành có ý nghĩa lịch sử của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thanh Hóa vừa là hậu phương vững chắc, vừa là chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhưng tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương giao phó.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Thanh Hóa đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi dậy các nguồn lực, lấy ổn định nông nghiệp, nông thôn, nông dân làm điểm tựa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là trong 10 năm qua Thanh Hóa đã khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Năm 2020 quy mô nền kinh tế tăng khoảng 4 lần so với năm 2010, tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng 3 lần.
[Ông Phạm Minh Chính biểu dương Thanh Hóa tổ chức tốt Đại hội các cấp]
Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh có số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Bộ máy chính trị từng bước tinh gọn, hiệu lực hiệu quả...
Ông Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và nhân dân, biến những khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên.
Thanh Hóa cần phát huy nội lực, bởi đây là nhân tố quyết định, là chiến lược cơ bản lâu dài, đồng thời tranh thủ tối đa ngoại lực để đột phá đi lên. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ tới bởi cán bộ là then chốt của then chốt; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thanh Hóa cần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân với Đảng, giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai, môi trường, tham nhũng... và tiếp tục chăm lo đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, để nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã ôn lại lịch sử 90 năm qua của Đảng bộ tỉnh. Tiếp sau sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có vinh dự lớn khi thành lập Đảng bộ từ rất sớm.
Trải qua quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức cộng sản liên tiếp được thành lập.
Ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa ra đời.
Ngày 10/7/1930, Chi bộ cộng sản thứ hai ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Chi bộ cộng sản thứ ba ra đời.
Để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 29/7/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị hợp nhất 3 Chi bộ Đảng Cộng sản để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân.
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đánh dấu bước ngoặt trọng đại đối với con đường phát triển đi lên của tỉnh. Từ đây, mỗi bước thăng trầm của phong trào cách mạng trong tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, gắn liền với phong trào cách mạng của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đặc biệt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo, điều hành xây dựng, phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt.
Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2020 ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng đột phá và khá bền vững; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; đã có 8 đơn vị cấp huyện, 367 xã và 940 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã, là một trong số các tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; đặc biệt, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của COVID-19, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa kiểm soát và khống chế cơ bản dịch bệnh, vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn, với 19 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, 15 dự án với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ USD được ký Biên bản ghi nhớ đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bình quân hàng năm giảm 2,56%.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng Bằng khen 90 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2015-2020./.
Trịnh Duy Hưng / (TTXVN/Vietnam+)