Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long tổ chức, tập trung thảo luận về xây dựng Đảng, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Đạo phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Ngày 9/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội.
Ông Trương Quang Phú, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Vĩnh Long, cho rằng các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu với phương pháp xây dựng dân chủ, cầu thị, lắng nghe, từ đó tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Nội dung các báo cáo lấy ý kiến đóng góp lần này có nhiều quan điểm, chủ trương rất mới, rất thoáng, được phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Góp ý cho nội dung công tác xây dựng Đảng về chính trị, ông Trương Quang Phú khẳng định: “Toàn đảng, toàn dân, toàn quân phải kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, đó là xây dựng một nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.”
[Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng TW góp ý vào dự thảo văn kiện Đảng]
Do đó, trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới, Trung ương cần chỉ đạo các ngành, các cấp kiên quyết đấu tranh chống " diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, nhất là những luận điệu xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học lý luận chính trị tập trung nghiên cứu, phát triển và hoàn chỉnh những luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định đường lối, chính sách của Đảng.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Ngoài ra, Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp theo dõi sát sao nhận thức và chuyển biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân để tập trung chống "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và ngoài xã hội; giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng một lòng, một dạ theo Đảng và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Ông Nguyễn Văn Còn, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, nhận định về nội dung cơ cấu lại ngành kinh tế cho thấy, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế trong thời gian qua chưa thật sự khuyến khích các ngành kinh tế phát triển, nhất là ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn phân bổ chưa hợp lý cho đầu tư ở các vùng, miền theo định hướng phát triển của Chính phủ. Ngoài ra, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, nhất là khung pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý điều hành các loại thị trường đang phát triển và xử lý rủi ro do thị trường gây ra.
Về phát triển các vùng và khu kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Còn cho rằng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần khai thác lợi thế, phát triển theo định hướng vùng sản xuất hiệu quả lương thực, thủy sản, rau quả theo hướng an toàn, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế.
Song song đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ trở thành đô thị phát triển mạnh, làm đầu tàu dẫn dắt các tỉnh trong khu vực. Đối với quy hoạch phát triển đô thị phải định hướng phát triển trong dài hạn, nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị bền vững, mang dấu ấn văn hóa, dân tộc, vùng miền và hiện đại.
Bà Hồ Huỳnh Tuyết Huệ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa, xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, cho rằng về phát triển nguồn nhân lực, Trung ương cần quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhà khoa học, ngành y; quan tâm chính sách cho cán bộ cơ sở; đào tạo lao động phải song song với nhu cầu sử dụng, hạn chế đến mức thấp nhất việc thất nghiệp, làm trái ngành nghề. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khi nghiên cứu đổi mới giáo dục phải phù hợp với thực tiễn, mang tính ổn định lâu dài để thật sự đạt chất lượng./.
Phạm Minh Tuấn / (TTXVN/Vietnam+)