Doanh nhân, luật sư Phạm Hồng Điệp cho rằng theo kết luận của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thủ tục hành chính cần tiếp tục được cải cách để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII họp phiên bế mạc tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Đảng viên, nhân dân thành phố Cảng Hải Phòng bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao những nội dung thảo luận và quyết định tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đặc biệt, đảng viên, nhân dân thành phố ấn tượng với kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Quan tâm đến một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay, đó là phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Tỉnh (phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho rằng việc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ về công tác này rất kịp thời, quyết liệt.
Tuyến y tế dự phòng cơ sở hết sức chủ động, khoa học, đã khắc phục mọi khó khăn để thực hiện việc tổ chức nhiệm vụ phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát.
[Ý kiến về Hội nghị TW3: Hoàn thiện pháp luật, xóa bỏ 'cơ chế xin-cho']
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã có các hoạt động cứu trợ kịp thời đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh trong điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn; chúng ta mở rộng vòng tay đón đồng bào về nước, hỗ trợ cho nhân dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam ta và thực hiện đầy đủ nhất chỉ đạo của Chính phủ "không bỏ lại ai ở phía sau."
Những việc làm tốt đẹp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó đã làm nên một Việt Nam được cộng đồng quốc tế trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao. Chủ nghĩa yêu nước, nghĩa đồng bào một lần nữa được phát huy cao độ và chúng ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh. Niềm tin tưởng của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày một nâng cao.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thành phố Hải Phòng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến các tổ dân phố.
Hải Phòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh và đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt chủ đề năm 2021 "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn kiểu mẫu."
Tuy nhiên, dịch bệnh còn tiếp diễn khó lường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Tỉnh đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo có những biện pháp trong việc nhập cảnh người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, người lao động nước ngoài để vừa phát triển kinh tế đất nước vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Doanh nhân, Luật sư Phạm Hồng Điệp (xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) chia sẻ Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và quyết định về các nội dung ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quy chế làm việc của Ủy ban kiểm tra Trung ương khóa XIII, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương xoá bỏ cơ chế "xin-cho" chống tham nhũng tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rất trúng, rất đúng, vì đã chỉ ra "điểm nghẽn" làm hạn chế phát triển kinh tế cũng như giảm hiệu lực điều hành của bộ máy hành chính và gốc của phát sinh nhiều tiêu cực.
Vì vậy muốn làm được triệt để thì từ Trung ương đến địa phương cần rà soát lại quy trình soạn thảo các luật, lược bớt các văn bản được ban hành dưới luật và hạn chế các câu từ đa nghĩa để khi áp dụng luật tránh mỗi nơi hiểu một kiểu, không đồng bộ với hệ thống hành chính quản trị nhà nước, điều này sẽ kéo dài thời gian thực hiện các chỉ đạo, các văn bản thi hành dẫn đến lãng phí và gây ra tiêu cực khó có thể kiểm soát.
Doanh nghiệp xác định thời gian là vàng, tiết kiệm thời gian thủ tục hành chính làm tăng lợi nhuận cho xã hội và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Điều này Trung ương Đảng đã nêu ra, chỉ đạo thì bộ máy hành chính, các cơ quan từ Quốc hội đến Chính phủ cho đến các cơ quan hành chính Trung ương và địa phương cần vào cuộc tìm ra giải pháp tối ưu để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách hành chính tốt bao nhiêu thì kỷ cương phép nước được đảm bảo, kinh tế phát triển và dân an bấy nhiêu, sẽ hạn chế tối đa được tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm. Người dân và doanh nghiệp rất mong chờ hiệu quả hơn nữa từ việc cải cách thủ tục hành chính./.
Đoàn Minh Huệ / (TTXVN/Vietnam+)