Thường trực Tỉnh ủy Long An cho rằng việc chuẩn bị tốt về nội dung, nhân sự đại hội là yếu tố cơ bản quan trọng, quyết định cho sự thành công của đại hội.
Đại hội Đảng bộ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. (Nguồn: Báo Long An)
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, qua kết quả đại hội điểm của tỉnh tại Đảng bộ xã Thạnh Phú (Bến Lức) và Đảng bộ xã Lộc Giang ( Đức Hòa), nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy rút ra nhiều kinh nghiệm cho đại hội đảng bộ cấp xã trong toàn tỉnh trong thời gian tới.
Thường trực Tỉnh ủy Long An cho rằng việc chuẩn bị tốt về nội dung, nhân sự đại hội là yếu tố cơ bản quan trọng, quyết định cho sự thành công của đại hội. Nơi nào cấp ủy, các Ban xây dựng Đảng cấp trên tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên, có phân công cán bộ cấp trên cùng địa phương chuẩn bị và dự đại hội, nơi đó đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, đảng bộ cấp xã cần nắm chắc tình hình nhân sự của địa phương, nhất là cán bộ chủ chốt; thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình công tác nhân sự một cách dân chủ, khách quan; phải có sự phân công điều hành, xây dựng chương trình đại hội theo hướng chi tiết, cụ thể, rõ ràng.
Đoàn Chủ tịch phải bám sát theo nội dung, chương trình để đảm bảo tốt việc điều hành đại hội. Riêng về thảo luận văn kiện đại hội, Đảng bộ cần gợi ý sâu, rõ vấn đề để đại biểu có điều kiện đóng góp thiết thực hơn...
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, qua đại hội tại các đơn vị điểm của tỉnh cơ bản chặt chẽ, đạt yêu cầu. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định. Nội dung văn kiện, đề án nhân sự đại hội được chuẩn bị khá tốt, đúng quy trình. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch có sự phân công cụ thể, bám sát nội dung, chương trình đại hội.
Hầu hết, đại biểu dự đại hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quyền trách nhiệm của đại biểu. Các đại hội diễn ra trong thời gian 1,5 ngày, phù hợp với chương trình chung, chuyển tải đầy đủ các nội dung; nghi thức tổ chức đại hội được tổ chức trang nghiêm, chặt chẽ, chu đáo có sự kiểm tra từng khâu theo quy định.
Ngoài ra, cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt các công tác tuyên truyền, cổ động; công tác khánh tiết phục vụ khá chu đáo; tăng cường công tác bảo vệ đảm bảo an ninh an toàn trước, trong đại hội.
[Đắk Lắk: Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII]
Tuy nhiên, đại hội điểm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc góp ý thông qua văn kiện, nhân sự đại hội của các đơn vị điểm chưa được Ban Thường vụ huyện ủy quan tâm đúng mức; một số nội dung trong Báo cáo chính trị chưa sát với tình hình, xu hướng phát triển của địa phương; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa cụ thể, rõ ràng; các chương trình đột phá và công trình trọng điểm chưa phù hợp, khả thi, tạo động lực thúc đẩy phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ tới; nội dung báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành chưa đánh giá rõ về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy trong nhiệm kỳ qua, còn nêu chung chung và chưa gắn với trách nhiệm của Ban Chấp hành...
Trên cơ sở rút kinh nghiệm trên, Thường trực Tỉnh ủy Long An yêu cầu các cấp ủy phát huy vai trò của Ban Thường vụ, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn và các Ban xây dựng Đảng cấp trên trực tiếp trong chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn xây dựng báo cáo chính trị sát hợp tình hình, mang tính khách quan, toàn diện; thể hiện ngắn gọn, súc tích và đề cao tính tự phê bình và phê bình, mạnh dạn chỉ ra những hạn chế khuyết điểm cốt lõi mang tính chủ quan.
Các chỉ tiêu, giải pháp phải cụ thể, thiết thực, bám theo định hướng phát triển, nhất là các chương trình đột phá công trình, trọng điểm đại hội đảm bảo phù hợp với nguồn lực của địa phương.
Các cấp ủy cơ sở phải xác định rõ trách nhiệm, chủ động trong chuẩn bị và tiến hành đại hội. Cấp ủy cấp trên phải sâu sát cơ sở, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc đại hội; góp ý chi tiết nội dung, chương trình đại hội, hướng dẫn, điều hành không để có sai sót, nhất là trong công tác bầu cử.../.
Thanh Bình / (TTXVN/Vietnam+)