Một trong những chính sách theo hướng lấy con người làm trung tâm trong những năm tới là gói tín dụng ưu đãi nhằm phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP (ngày 11/3/2023) của Chính phủ.
Quang cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH TW Đảng khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
"An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội... Công tác trợ giúp xã hội từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm.” Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như vậy về lĩnh vực an sinh xã hội trong bài phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (15-17/5/2023).
Chú trọng cải thiện đời sống người có công, đối tượng yếu thế
Đảng ta chủ trương trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XIII tiếp tục sâu sát chỉ đạo để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, lấy con người làm trung tâm.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước chú trọng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân; cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia các dự án phát triển nhà ở xã hội.
Năm 2021, lĩnh vực an sinh xã hội được bảo đảm; các chính sách xã hội đã được thực hiện kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Trung ương và các địa phương đã dành 71.482 tỷ đồng để hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, hơn 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Nổi bật nhất là các chương trình hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NĐ-CP.
[Thông báo Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII]
Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 là hơn 33.564 tỷ đồng nhằm hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng. Riêng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng; hỗ trợ 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động.
Ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ đó, khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm được bổ sung để đãi ngộ người có công với cách mạng và thân nhân. Cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng (khoảng 10% dân số), được hưởng chính sách ưu đãi, trong đó gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên cả nước đã cơ bản hoàn thành. Gần 393.707 hộ gia đình có công được hỗ trợ, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội vào cuối năm 2021 ước đạt hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, với mục tiêu giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất.
Năm 2022 có nhiều biến động, khó khăn với bảo hiểm xã hội Việt Nam, song nhiều chỉ tiêu của ngành đã đạt và vượt kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,5 triệu người (chiếm 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi); số người tham gia bảo hiểm tự nguyện đạt trên 14,3 triệu người (chiếm 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi); số người tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 91,1 triệu người (chiếm 92,04% dân số).
Ngành lao động-thương binh và xã hội đã hỗ trợ gần 105 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu lượt người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...
Ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho thấy, số hộ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% với 2.393.332 hộ, giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ (cuối năm 2021). Số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4%-5%.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2022, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 19 dự án với khoảng 33.194 căn có tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2. Trong đó, nhà ở xã hội có 16 dự án quy mô 33.194 căn. Nhà ở công nhân có 3 dự án với quy mô 3.360 căn.
Hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội - thiết thực và nhân văn
Một trong những chính sách theo hướng lấy con người làm trung tâm trong những năm tới là gói tín dụng ưu đãi nhằm phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP (ngày 11/3/2023) của Chính phủ.
Đây là một chính sách nhân văn và được những người có thu nhập thấp hồ hởi đón nhận, các chủ đầu tư hưởng ứng. Đây là một chính sách thiết thực trong nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và bảo đảm an sinh xã hội.
Nghị quyết 33/NQ-CP nêu rõ: Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn nhằm hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại, bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Theo Bộ Xây dựng, người được vay ưu đãi là các đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp) phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở; đối tượng được bố trí tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua nhà ở, công trình xây dựng bố trí tái định cư theo quy định pháp luật về nhà ở; chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư phải có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh công bố và phải đảm bảo một số điều kiện cụ thể.
Đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại 36 địa phương đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng; 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."
Hiện nay, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, điều kiện để được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và cơ bản được tháo gỡ toàn bộ sau khi các luật này có hiệu lực.
Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hầu hết đã có chủ. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội là động thái tích cực và có lợi cho thị trường bất động sản, thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Gói tín dụng này sẽ tạo hiệu ứng tích cực do lãi suất chỉ là 8,7%/năm trong 3 năm và như vậy doanh nghiệp được hưởng khoản tiền vay rẻ hơn so với thị trường trong một thời gian hợp lý. Các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phải vất vả lắm mới vay được vốn với lãi suất khoảng 11-11,5%/năm, có lúc lên tới 14%/năm. Chủ đầu tư được vay vốn rẻ hơn thì giá nhà ở xã hội có điều kiện được kéo giảm.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ đánh giá, chương trình gói tín dụng 120.000 đồng dành cho nhà ở xã hội không chỉ mang ý nghĩa rất tích cực đối với phân khúc nhà ở xã hội, mà còn lan tỏa tới thị trường bất động sản nói chung./.
Trần Quang Vinh / (TTXVN/Vietnam+)