Tại đại hội, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra các khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tỉnh tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức thành công. Phóng viên TTXVN tại Tuyên Quang có cuộc trao đổi với ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang về mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ mới.
Xin chúc mừng ông đã tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2020-2025. Xin ông cho biết những việc cần làm ngay sau Đại hội?
Ông Chẩu Văn Lâm: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII được tổ chức từ ngày 12-15/10/2020. Sau 3 ngày làm việc chính thức, với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, Đại hội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện, đây là cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới. Đại hội đã đề ra mục tiêu xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ là: Đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang sẽ khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các chương trình, đề án để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội, làm cơ sở để các đảng bộ, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh xây dựng thành các kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ông cho biết các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đã đề ra?
Ông Chẩu Văn Lâm: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 khâu đột phá, cụ thể là: (1) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. (2) Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. (3) Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.
[Tuyên Quang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm]
Cùng với đó là 5 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên thực hiện các khâu đột phá. (2) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. (3) Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc. (4) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường. (5) Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đại hội đã đề ra những mục tiêu, giải pháp chủ yếu nào thưa ông?
Ông Chẩu Văn Lâm: Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ người dân tộc thiểu số, hộ nghèo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Một góc thành phố Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)
Theo đó, tỉnh đã có các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra: Nhóm giải pháp thực hiện các khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tỉnh tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại; tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung vào một số ngành có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu, phát triển các thành phần kinh tế.
Tuyên Quang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, tín dụng; quản lý sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Cùng với đó, Đại hội xác định các nhóm giải pháp về bảo đảm quốc phòng an ninh; thực hiện tốt công tác tư pháp, thanh tra; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng chính quyền, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Với quyết tâm chính trị cao và khát vọng phát triển trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vững mãi niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đổi mới mạnh mẽ, khắc phục khó khăn, thách thức, khai thác tiềm năng và nguồn lực để phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xứng đáng với vị thế Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Quang Đán-Quang Cường / (TTXVN/Vietnam+)