Theo Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, trong 5 nội dung thảo luận ở Hội nghị TW 6, nội dung về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa quan trọng.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ý. (Nguồn: baoyenbai)
Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vừa kết thúc thành công, nhiều nội dung quan trọng đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này được cán bộ, đảng viên và người dân tỉnh Yên Bái quan tâm theo dõi và bày tỏ ý kiến ủng hộ cao.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ý cho rằng trong 5 nội dung thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 lần này, nội dung về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những đối với Trung ương mà đến từng địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Ý, ở cấp Trung ương, có kế hoạch hàng năm và dài hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm hay 30 năm, nhưng Quy hoạch tổng thể quốc gia về một thời kỳ, từ khi thành lập Đảng đến nay, lần này chúng ta mới bàn tới. Đây là chủ trương rất đúng của Đảng, Quy hoạch tổng thể quốc gia để có thể nhìn thấy tổng thể bức tranh hiện tại và tương lai phát triển đất nước trong thời gian ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn như thế nào.
[Hội nghị Trung ương 6: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước]
Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc rất cần thiết, có ý nghĩa chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Nội dung này rất đúng, trúng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều cán bộ, đảng viên các cấp. Bởi khi chưa có Quy hoạch tổng thể, thường mỗi địa phương đều làm theo cách hiểu của mình, thiếu sự liên kết giữa địa phương với các vùng, giữa địa phương với toàn quốc để có thể phát huy được lợi thế của từng địa phương vào sự phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là hướng chỉ đạo để các địa phương thực hiện quy hoạch gắn với quy hoạch của Trung ương, của vùng, phát triển được tiềm lực kinh tế sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn và đủ điều kiện để xuất khẩu và có sức cạnh tranh.
Cùng với đó, là quy hoạch về hạ tầng mạng lưới giao thông như tại Yên Bái, đang khắc phục mạng lưới giao thông theo chiều dọc, bây giờ phát triển các đường nhánh, mạng lưới giao thông chiều ngang để liên kết nội vùng, liên vùng, góp phần đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế, giao thương và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đó là mong muốn của nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm kinh tế của tỉnh Yên Bái.
Đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thời gian qua, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ý cho rằng việc Trung ương tiến hành xử lý kỷ luật và cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với một số Ủy viên Trung ương, được nhân dân rất hoan nghênh. Điều đó cho thấy kỷ luật Đảng là rất nghiêm minh, không có vùng cấm trong công tác xử lý cán bộ. Tuy vậy, người dân cũng mong muốn rằng cần đặc biệt quan tâm và nhìn nhận lại quá trình xây dựng và đào tạo những cán bộ này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Cũng theo ông Nguyễn Văn Ý, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ khi Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã cho thấy sức mạnh, sự quyết đoán, quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý các vụ án trọng điểm gây bức xúc cho người dân.
Khẳng định việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương lớn, là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái cho rằng đây là chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng cao của thế giới; đồng nghĩa với việc tạo ra sức cạnh tranh lớn, cạnh tranh ở mọi lĩnh vực.
"Nếu mình không phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất khó tạo ra sức cạnh tranh. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là việc áp dụng những công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật và xu thế của thế giới vào công tác điều hành, sản xuất và phát triển của các doanh nghiệp nhằm mục đích cải tạo môi trường lao động, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, chi phí hàng hóa để có thể cạnh tranh được với hàng hóa của thể giới," ông Nguyễn Hồng Phong nói.
Hiện Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái chỉ có một máy phân tích tự động, nhưng đối với công nghệ sản xuất ximăng của thế giới hiện tại, hầu hết mỗi nhà máy sản xuất ximăng có tới 6 máy phân tích tự động. Tuy nhiên, các máy phân tích tự động này nếu nhập từ nước ngoài về có giá thành rất đắt, không phù hợp với khả năng tài chính của công ty.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh vào lĩnh vực sản xuất các thiết bị tự động hóa, giúp cho các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có thể tiếp cận được với các thiết bị, máy móc tự động hóa được sản xuất trong nước với giá thành phù hợp./.
Việt Dũng / (TTXVN/Vietnam+)