Theo bài viết, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức trong bối cảnh vị thế của Việt Nam đang vững chắc, kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Những tấm pano, khẩu hiệu chào mừng Đại hội được trưng lên tại các ngã tư, trục đường chính của Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, báo The Sunday Times vừa đăng bài viết nhận định Việt Nam đang chuẩn bị cho một sự kiện chính trị quan trọng là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện thuận lợi mà không nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay có được.
Những điều kiện thuận lợi được bài viết nhắc đến như tình hình đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo “tiến nhanh” hơn các nước trong khu vực.
Việt Nam thậm chí ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn, đặc biệt khi Hà Nội vừa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).
The Sunday Times nêu rõ trong khi các hãng hàng không khu vực lâm vào tình cảnh khó khăn trầm trọng, hãng hàng không thứ năm của Việt Nam đã khai trương chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2020. Bên cạnh đó, nỗ lực chống tham nhũng ở cấp cao cũng đã giúp nâng cao uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhân dân.
[Truyền thông Nga đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam]
Bài viết dẫn ý kiến của Tiến sỹ Lê Thái Hà thuộc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đánh giá vị thế của Việt Nam đang vững chắc. Chính phủ đã giảm bớt được nợ công, tăng dự trữ ngoại hối và tạo ra được một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nhân khởi nghiệp.
Theo The Sunday Times, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến diễn ra từ ngày 25/1-2/2 sẽ đề ra phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bầu ra ban lãnh đạo khóa mới.
Tờ báo dẫn đánh giá của Tiến sỹ Lê Thu Hương, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, cho rằng ban lãnh đạo khóa mới sẽ điều hành đất nước trong môi trường hậu COVID-19 đầy thách thức, trong khi phải kiểm soát những hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đồng thời ứng phó với ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam cũng cần tận dụng đà phục hồi sớm từ dịch bệnh COVID-19 và phải tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại với EU và 14 quốc gia khác trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)./.
Nguyễn Thúy / (TTXVN/Vietnam+)