Tài nguyên và môi trường vừa là lĩnh vực kinh tế quan trọng, quản lý tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng vừa là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Nhìn lại năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, ngành tài nguyên và môi trường đã từng bước khắc phục, chuyển hóa được những khó khăn, thách thức đặt ra với ngành ngay từ đầu nhiệm kỳ; chuyển từ bị động sang chủ động xử lý các vấn đề về môi trường.
Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm nổi bật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
- Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá về nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII đã qua, đặc biệt là những thành công trong việc thực hiện các quyết sách về lĩnh vực tài nguyên và môi trường?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ngành tài nguyên và môi trường bước vào nhiệm kỳ 2016-2020 trong bối cảnh bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Ngay đầu nhiệm kỳ, ngành đã phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Các lĩnh vực quản lý của ngành, đặc biệt môi trường luôn nảy sinh những vấn đề, sự cố trong khi công tác quản lý còn bị động.
Lĩnh vực đất đai luôn đứng hàng đầu trong nhóm vấn đề “nóng”... Cũng trong 5 năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng phức tạp, nghiêm trọng đến Việt Nam, rất nhiều khó khăn, thách thức.
Thực tế đó đã đặt ngành tài nguyên và môi trường phải quyết tâm, cố gắng gấp đôi, huy động trí tuệ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để vừa chủ động hóa giải các thách thức, giải quyết ngay các điểm nghẽn, các vấn đề nảy sinh nhằm đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2016-2020 vừa tạo dựng nền tảng để ngành đóng góp xứng đáng cho mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Với tinh thần kiến tạo, Bộ đã lắng nghe từ thực tiễn, cơ sở, từ đó giải quyết các khó khăn vướng mắc bằng thể chế để giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, môi trường cho phát triển đất nước.
Có thể kể đến các Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; số 148/2020/NĐ-CP cởi những nút thắt về đất đai cho phát triển hay Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thiết lập cơ sở pháp lý cho chủ động kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược đã được xây dựng, trình ban hành để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật đo đạc và bản đồ, Luật bảo vệ môi trường 2020; Nghị quyết số 120-NQ/CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long...
Cùng với hoàn thiện thể chế, sự phối hợp gắn kết hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, chúng ta đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; chuyển từ bị động, bất ngờ sang chủ động.
Các nguồn tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trong 5 năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đã đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đô thị hóa... tạo ra hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội, đóng góp gần 850.000 tỷ đồng vào ngân sách; đưa gần 1 triệu ha đất chưa sử dụng vào sử dụng, đưa độ che phủ rừng lên 42% năm 2020.
Các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước nước được tập trung triển khai. Tiềm năng lợi thế về biển được phát huy để thúc đẩy kinh tế biển, các vùng ven biển đang trở thành động lực thu hút đầu tư, tăng trưởng.
Công tác bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, huy động được sự tham gia của toàn xã hội, có tới 84% người dân được hỏi ủng hộ việc không sử dụng túi nilon, cốc, hộp nhựa theo khảo sát của Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)...; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm.
Vấn đề rác thải đã có lời giải với các mô hình tái chế, tái sử dụng đốt rác, phát điện thay cho chôn lấp. Các chương trình xanh hóa các dòng sông đã được khởi động, thúc đẩy.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch cải thiện môi trường không khí ngay từ năm 2016 và Chỉ thị để triển khai thực hiện. Có thể thấy, chúng ta đã dần dần hình thành văn hóa ứng xử với thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn đã được nâng cao tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai; cùng với chiến lược nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ tiếp tục được đúc kết, nhân rộng.
Một trong những thành công của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian qua là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đang xây dựng một nguồn tài nguyên số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về đất đai, thông tin địa lý, viễn thám, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản... đang hướng tới một ngành kinh tế số mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội, cung cấp nền tảng cho việc chuyển đổi số quốc gia.
Điều khiến tôi trăn trở từ đầu nhiệm kỳ đó là vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đến nay đã có những chuyển biến.
Qua khảo sát đánh giá của các tổ chức độc lập, trong đó chỉ số chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; chỉ số hài lòng với thủ tục về môi trường tăng 3,08% so với năm 2017; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34%; chỉ số đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản đạt mức 60/190 nước được đánh giá.
- Bộ trưởng có thể cho biết vai trò, vị trí của lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới và những điểm nổi bật đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường vừa là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, quản lý tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng của đất nước vừa là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Do đó, đây là một trong trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
Chính vì vậy, nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm; có sự đóng góp trí tuệ không chỉ của ngành tài nguyên và môi trường mà còn có tâm huyết, gửi gắm của các nhà khoa học và nhân dân.
Dự thảo các văn kiện là những chủ trương lớn mang tầm thời đại để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước dựa trên quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, coi đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mối quan hệ toàn cầu; coi đây không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.
Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn lực tài nguyên vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, bảo đảm an ninh tài nguyên trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên vùng; đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, đảm bảo công bằng, dân chủ, khách quan trong tiếp cận các nguồn tài nguyên trên cơ sở thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiều giải pháp lớn như phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... được nhấn mạnh trong văn kiện lần này.
Chúng tôi mong muốn với kết tinh của trí tuệ, niềm tin, sự gửi gắm từ nhân dân, Đại hội sẽ có quyết sách về những chủ trương lớn về tài nguyên và môi trường.
Cùng với Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII được thông qua, các nghị quyết có liên quan của Trung ương sẽ định hình hướng phát triển đối với ngành tài nguyên và môi trường.
Thời gian tới, từ chủ trương, các nghị quyết, chúng ta cần phải thể chế hóa thành pháp luật, các quy định về quản lý tài nguyên và môi trường; huy động được sự tham gia của tất cả các bên, các lĩnh vực liên quan, từng người dân có sự nhận thức, thống nhất cao về bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Hoàng Nam / (TTXVN/Vietnam+)