Thái Bình nghiêm túc, cầu thị trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX.
Thai Binh nghiem tuc, cau thi trong xay dung van kien Dai hoi Dang bo hinh anh 1Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Chiều 12/8, Đoàn công tác của Trung ương do ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã báo cáo với Đoàn về công tác chuẩn bị Đại hội.

Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 187 về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã quyết định thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và ban hành các kế hoạch về việc xây dựng Văn kiện Đại hội, về thảo luận và tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Đến nay, dự thảo lần sáu Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ Hội nghị cán bộ chủ chốt tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cư trú tại tỉnh Thái Bình và thành phố Hà Nội.

Dự thảo cũng tiếp thu ý kiến đóng góp từ 13 đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các nhân sỹ, trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội và những người quan tâm đến sự phát triển của tỉnh thông qua nhiều hình thức.

Dự thảo lần sáu Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã được cập nhật hệ thống số liệu mới nhất về dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và các mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn và tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Dự thảo Báo cáo chính trị lần này cũng đã được sắp xếp lại kết cấu báo cáo theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương tại Công văn số 11966 ngày 16/7/2020.

Ngày 29/7/2020, sau khi hoàn chỉnh theo kết cấu mới, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã gửi dự thảo Báo cáo chính trị xin ý kiến của 22 cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương; đến nay đã có 4 cơ quan có ý kiến tham gia bằng văn bản, Tiểu ban Văn kiện đã tiếp thu vào dự thảo lần sáu.

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đánh giá công tác xây dựng Đảng được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng cao.

Năng lực quản lý nhà nước, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng đổi mới và nâng cao.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chất lượng các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên.

Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được những dấu ấn nổi bật. Công tác quân sự, quốc phòng của địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng và đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu trong khu vực Bắc Bộ, đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong cả nước...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những kết quả nổi bật và những tồn tại, hạn chế, kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua, trên cơ sở đó gợi mở với tỉnh hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận Tỉnh ủy Thái Bình đã nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị trong xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Thai Binh nghiem tuc, cau thi trong xay dung van kien Dai hoi Dang bo hinh anh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được Tỉnh ủy Thái Bình lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nội dung toàn diện.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng xây dựng Báo cáo Chính trị cho nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo phải dựa trên sự tác động của dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, tác động trực tiếp tới từng quốc gia nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương biểu dương Đảng bộ tỉnh Thái Bình thời gian qua đã chú trọng công tác xây dựng Đảng. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thái Bình cần tiếp tục xây dựng sự đoàn kết trong hệ thống chính trị, đảm bảo tập trung dân chủ, chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Bên cạnh việc hoàn thiện các văn kiện đại hội, cần đặc biệt coi trọng công tác nhân sự.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng Thái Bình là địa phương được Trung ương cho thí điểm nhiều chủ trương, chính sách, nhất là trong nông nghiệp, vì vậy Thái Bình cần quan tâm đến mục tiêu “tam nông.”

Nằm trọn trong tứ giác phát triển kinh tế Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Thanh Hóa, vì vậy Thái Bình cần xác định rõ hướng phát triển ngành công nghiệp chủ lực phù hợp và trở thành thế mạnh trong mối quan hệ tứ giác này.

Về phát triển giao thông, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh hiện nay giao thông của Thái Bình tương đối thuận lợi, nhưng để phát triển logicstic, giao thương hàng hóa, nhất là kết nối giao thông phá vỡ tính biệt lập so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cần tập trung hai hướng kết nối với các tỉnh, đó là kết nối với khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ, đặc biệt là kết nối giao thông đường sông. Đối với việc phát triển dịch vụ, Thái Bình cần tiếp cận ở góc độ mà tỉnh có, đó là con người và vùng đất Thái Bình./.

Tin tức khác