Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị thành phố Hải Dương cần chuyển đổi phát triển đô thị từ tăng trưởng đơn thuần sang phát triển theo chiều sâu, tạo sự thay đổi về chất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tặng hoa chúc mừng Đại hội. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Sáng 6/6, tại thành phố Hải Dương, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Dương lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc với sự tham gia của 289 đảng viên ưu tú đến từ 76 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, đại diện cho gần 20.000 đảng viên của Đảng bộ thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã về dự và chỉ đạo đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đối với Thành ủy Hải Dương trong công tác tổ chức đại hội Đảng cấp cơ sở và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Dương theo đúng các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy Hải Dương.
[Ông Triệu Thế Hùng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương]
Cơ bản đồng tình với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, những giải pháp chủ yếu cùng với các dự án, công trình trọng điểm và 3 khâu đột phá đã đề ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã gợi mở một số vấn đề để Đại hội nghiên cứu, thảo luận như làm rõ những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, phân tích những hạn chế cần khắc phục, nhất là đánh giá làm rõ, phân tích sâu nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém; rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; phân tích và nhận diện đúng bối cảnh tác động đến sự phát triển của tỉnh để đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới và xa hơn cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh Hải Dương.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị Đại hội cần tập trung thảo luận, làm rõ các biện pháp để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ đột phá đã nêu trong Báo cáo chính trị gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính; chuyển đổi mạnh mẽ khu vực công đáp ứng yêu cầu chính quyền đô thị và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, trật tự văn minh đô thị, xây dựng thành phố Hải Dương “xanh, thông minh, thân thiện, an toàn.”
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo Đại hội. (nh: Mạnh Minh/TTXVN)
Thành phố cần chú trọng rà soát, bổ sung, lập mới các quy hoạch phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; chuyển đổi phát triển đô thị từ tăng trưởng đơn thuần sang phát triển theo chiều sâu, tạo sự thay đổi về chất; lựa chọn các công trình, dự án có ý nghĩa động lực để triển khai đầu tư có hiệu quả.
Ngoài ra, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, ưu tiên các công trình hạ tầng công cộng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân.
Thành phố cũng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý các đại biểu cần thảo luận, tham gia ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao nhất vào các Văn kiện trình Đại hội.
Trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo chỉ đạo, Đại hội sáng suốt bầu Ban Chấp hành khóa XXIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo thành phố trước yêu cầu phát triển mới.
Tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong nhiệm kỳ qua của thành phố như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; một số dự án lớn, quan trọng vẫn còn chậm tiến độ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố; chưa xây dựng được các công trình văn hóa, điểm nhấn của đô thị trung tâm. Một số cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu, còn để người dân phàn nàn...
Xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn; giữ vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phố - là đầu tàu, động lực phát triển quan trọng cho các địa phương khác trong toàn tỉnh.
Thời gian tới, thành phố cần huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để tạo sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trên cơ sở lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao là nền tảng, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào các ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao; chủ động liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương có thế mạnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và liên kết thành chuỗi sản xuất-cung ứng, quản lý và xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng có của Hải Dương.
Thành phố Hải Dương cũng cần tập trung làm tốt quy hoạch, quản lý quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quyết liệt để bứt phá mạnh mẽ trong phát triển không gian nội đô 5-10 năm tới; phát triển các trục giao thông kết nối các khu chức năng đô thị phù hợp với quy hoạch và phát triển giao thông công cộng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đô thị trước mắt và lâu dài; chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; quan tâm giải quyết việc làm, đời sống cho nhân dân, nhất là ở những nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm công nghiệp, dịch vụ và đô thị; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; xây dựng thành phố thật sự thân thiện, an toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị Đảng bộ thành phố cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cấp ủy viên, chất lượng đảng viên; quan tâm công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là khu vực ngoài nhà nước; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; kiên quyết sắp xếp, tinh giản cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Thành phố Hải Dương cũng cần tập trung cải cách hành chính; từng bước xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền “điện tử” theo hướng xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXIII, bầu Bí thư Thành ủy Hải Dương trực tiếp tại Đại hội; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Đại hội bế mạc vào ngày 7/6./.
Mạnh Tú / (TTXVN/Vietnam+)