Việc Quốc hội Việt Nam bầu các chức danh lãnh đạo gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã hình thành bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trong 5 năm tới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 5/4, ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh chủ chốt, hãng thông tấn Italy Agenziastampaitalia đã đăng bài viết của tác giả Andrea Fais. đánh giá ban lãnh đạo mới của Việt Nam đưa đất nước tái khởi động trong điều kiện thuận lợi.
Theo bài viết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc vào ngày 1/2 vừa qua, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Ngày 31/3, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, với 98,54% tổng số đại biểu tán thành.
Sau đó, ngày 5/4, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XIV, giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, với 97,5% tổng số đại biểu tán thành; bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, với 96,25% tổng số đại biểu tán thành.
Bài báo nhận định cùng với việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 2, việc Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã hình thành bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trong 5 năm tới.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù có những khó khăn ban đầu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ đủ sức đối phó với mọi thách thức trong tương lai.
[Nhân sỹ, trí thức người Việt tại Đức kỳ vọng vào chính phủ mới]
Đánh giá về kinh tế Việt Nam, bài báo dẫn chứng thực tế bất chấp sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng trưởng 2,91% nhờ xuất khẩu thép, sản phẩm điện tử và máy tính.
Theo báo cáo hồi tháng 1 vừa qua của Viet Dragon Securities - một công ty dịch vụ tài chính Việt Nam, năm 2020, Việt Nam gián tiếp được hưởng lợi bởi châu Âu giảm mạnh nhập khẩu thép từ Thổ Nhĩ Kỳ - nhà cung cấp thép hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), với mức giảm từ 3,4 xuống 2,4 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khầu thép thực tế của Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp 7 lần, đạt 3,54 triệu tấn.
Mặt hàng điện tử tiếp tục ghi nhận sự cải thiện so với kết quả vốn đã khả quan của năm 2019, theo đó cũng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của Việt Nam. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Mỹ đã tăng nhập khẩu hàng điện tử từ Việt Nam thêm 33% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Cùng với máy móc, Việt Nam không ngừng tăng cường khả năng thu hút đầu tư, không chỉ từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn từ Mỹ và Pháp, trên hết là nhờ vào sự đổi mới của các trung tâm kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Bài viết khẳng định nhìn chung cán cân thương mại của Việt Nam năm 2020 vẫn là một xu hướng tích cực gần như liên tục kể từ năm 2012, với mức xuất siêu đạt khoảng 20 tỷ USD.
Bài báo lưu ý các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam được nêu trong bài phát biểu nhậm chức của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo đó, chính phủ sẽ tập trung vào 5 ưu tiên.
Cụ thể, các ưu tiên gồm xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; Quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Đề cập sự điều hành của Chính phủ Việt Nam, bài viết khẳng định các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trên thế giới, có tác dụng ngăn chặn tình trạng khẩn cấp ngay từ trong trứng nước.
Bài viết kết luận nếu các quyết định và biện pháp được thông qua cho đến nay đã đảm bảo sự chung sống tương đối hòa bình với virus SARS-CoV-2 ở hầu hết khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì ở phương Tây, việc phục hồi phụ thuộc hoàn toàn vào các chiến dịch tiêm chủng của từng quốc gia, do các biện pháp ngăn chặn đã thất bại.
Do đó, Việt Nam có thể lạc quan về triển vọng trong năm 2021 và 2022, khi Mỹ và châu Âu thoát khỏi tình trạng khẩn cấp COVID-19, Việt Nam sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hàng hóa từ các nền kinh tế lớn, khai thác triệt để tiềm năng của hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA)./.
Huy Thông / (TTXVN/Vietnam+)