Chuyên gia Francis Wong đánh giá một trong những chìa khóa của các chính sách kinh tế thành công ở Việt Nam là sự kế thừa ổn định, với một ban lãnh đạo luôn mong muốn thúc đẩy nền kinh tế mở.
Foxconn chuẩn bị mở rộng sản xuất tại Việt Nam. (Ảnh: Nikkei)
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tờ The Straits Times của Singapore ngày 28/1 đã đăng bài viết đánh giá năm 2021 sẽ là năm cơ hội của Việt Nam.
Bài viết cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang tổ chức Đại hội lần thứ XIII để lựa chọn ra những nhà lãnh đạo mới, vạch ra tiến trình phát triển tiếp theo của đất nước với những điều kiện hết sức thuận lợi từ những thành công gần đây.
Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội ngày 26/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ca ngợi hai thành tựu lớn của đất nước là phát triển kinh tế và kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Bài viết khẳng định "Ngôi sao đang lên" của khu vực Đông Nam Á hoàn toàn có quyền tự hào về điều này.
Bài viết nhận định năm 2021 có thể là thời điểm đột phá của Việt Nam sau khi đã kiểm soát được dịch COVID-19 tốt hơn nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Việt Nam có thể tranh thủ "đẩy nhanh tốc độ" khi các nhà máy ở nhiều nước trong khu vực vẫn đóng cửa, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ, y tế và các sản phẩm khác gia tăng.
Bài viết cũng đánh giá Đại hội Đảng lần này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, khi ban lãnh đạo mới được lựa chọn và tiến trình phát triển mới của đất nước được vạch ra trong kỳ đại hội Đảng lần này sẽ quyết định xem Việt Nam sẽ thực hiện tốt như thế nào và có thể đóng vai trò gì trong khu vực.
Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng ban lãnh đạo mới của Việt Nam cần lưu tâm những thách thức trong nước và những bất trắc bên ngoài có thể cản trở tham vọng của Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và một nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2030.
[Truyền thông Đức nêu bật triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam]
Bài viết dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận đất nước vẫn còn những tồn tại, trong đó có thực tế rằng nền kinh tế Việt Nam chưa có sức bật cao. Mặc dù Việt Nam đã tư nhân hóa nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước, nhưng những doanh nghiệp này chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế trong khi lại hiệu quả thấp và chiếm nhiều khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn bị chi phối bởi hoạt động lắp ráp thấp cấp thay vì sản xuất cao cấp. Hệ thống giáo dục đại học cũng chưa thể đào tạo đủ lao động có tay nghề cao.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhật báo tài chính Financial Review của Australia (AFR) cũng đăng bài viết về sự kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. AFR đánh giá cao khả năng Việt Nam khống chế dịch COVID-19 năm 2020, đưa du lịch nội địa và cuộc sống hằng ngày phần lớn đã trở lại bình thường.
Theo AFR, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang tập trung thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh quốc gia này đã trở thành “một bánh răng thiết yếu” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí lao động thấp và các rào cản thị trường thấp, vốn đã giúp thu hút được các công ty đa quốc gia như Unilever và Pepsico trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, hiện vẫn đang là những yếu tố thuận lợi cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đáng chú ý, "gã khổng lồ" về sản xuất điện tử Foxconn, nhà cung cấp linh kiện của Apple cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác, đã quyết định mở thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất ở Đông Á.
Nhật báo tài chính hàng đầu của Australia dẫn lời cố vấn cấp cao của Hội đồng Doanh nghiệp Australia-Việt Nam Francis Wong nhận xét, một trong những chìa khóa của các chính sách kinh tế thành công ở Việt Nam là sự kế thừa ổn định, với một ban lãnh đạo luôn mong muốn thúc đẩy nền kinh tế mở. Ông Wong cho rằng điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rót vốn vào Việt Nam./.
Nguyễn Thúy-Nguyễn Minh / (TTXVN/Vietnam+)