Tuyên Quang cần phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ đạo Tuyên Quang cần chú ý phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững, gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Tuyen Quang can phat trien kinh te ben vung, dam bao an sinh xa hoi hinh anh 1Đoàn Chủ tịch Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và 345 đại biểu đại diện cho các đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Báo cáo chính trị do ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khóa XVI, trình bày nêu rõ nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khai thác tiềm năng và huy động nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm. Dự kiến năm 2020, tổng sản phẩm GRDP đạt 34.624 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 44,57 triệu đồng.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 2.300 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên 135 triệu USD.

[Đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn]

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong 5 năm đạt trên 4 triệu m3; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác đứng đầu cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 3%, toàn tỉnh còn 11,8% hộ nghèo...

Trong 5 năm, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kiên cố hóa 1.004km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa, xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633km đường giao thông nội đồng.

Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 41.700 tỷ đồng.

Tỉnh đã hoàn thành đầu tư xây dựng cầu Bình Ca, cầu Tình Húc và một số công trình, dự án quan trọng.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 5 năm đã tạo việc làm cho trên 114.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% năm 2019; giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt mục tiêu đề ra.

Quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao...

Công tác xây dựng Đảng có sự chuyển biến tích cực, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai quyết liệt. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được đổi mới.

Các tổ chức Đảng được kiện toàn phù hợp với tổ chức bộ máy và việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, gắn bó mật thiết với nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường.

Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, sáng tạo; nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tuyên Quang đã cơ bản trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tuyen Quang can phat trien kinh te ben vung, dam bao an sinh xa hoi hinh anh 2Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần được phân tích, làm rõ nguyên nhân như kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được sự bứt phá trong phát triển. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả chưa cao.

Hệ thống kết cấu hạ tầng còn khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch. Các thành phần kinh tế phát triển chậm; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn...

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý tại Đại hội, các đại biểu cần tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh để quyết định phương hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, Tuyên Quang cần tiếp tục đổi mới, chủ động, tích cực hơn nữa, với các giải pháp đồng bộ, bước đi thích hợp, phương châm phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững, gắn với đảm bảo an sinh, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và công nghệ thông tin. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng.

Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai và các công trình giao thông trọng điểm. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng của quá trình phát triển đi lên của tỉnh. Tập trung phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước.

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khoáng sản, tạo hàng hóa có giá trị cao.

Chú trọng xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở huy động, lồng ghép nguồn lực để có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nhất là các tiêu chí về nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân; quan tâm nhiều hơn cho phát triển du lịch...

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển của tỉnh; tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và người khó khăn.

Tuyên Quang cũng cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu, then chốt của công tác xây dựng Đảng. Kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số một cách bài bản, chiến lược, lâu dài...

Tuyen Quang can phat trien kinh te ben vung, dam bao an sinh xa hoi hinh anh 3Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng hoa chúc mừng Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII.

Với tinh thần đoàn kết và chính trị cao, các đại biểu dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa tới để đủ năng lực lãnh đạo trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.

Đại hội làm tốt nhiệm vụ bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định của Trung ương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần vào sự thành công của Đại hội XIII của Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin tưởng với truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nêu cao hơn nữa quyết tâm chính trị, nắm vững tình hình, tận dụng lợi thế, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, sớm đạt mục tiêu tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế, tầm vóc lớn lao mà lịch sử đã trao cho Tuyên Quang -Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII diễn ra đến ngày 15/10./.

Tin tức khác