Theo dõi Hội nghị TW 6, khóa XIII, cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Phòng càng thêm tin tưởng vào Đảng, đã thể hiện rõ vai trò của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng. (Nguồn: congan.haiphong.gov.vn)
Theo dõi Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Hải Phòng càng thêm tin tưởng vào Đảng ta, đã thể hiện rõ vai trò của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo và đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng
Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng rất tâm huyết với nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 6: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đã triển khai tổng kết Nghị quyết một cách nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao cho rằng: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
[Cử tri Cần Thơ nêu ý kiến về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng]
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Cần kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Theo Nhà báo Nguyễn Anh Tú, một điểm mới tại hội nghị lần này là, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với các Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang, theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Có thể nói, đây là sự việc rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm. Đây cũng là bài học cho mỗi đảng viên, nhất là khi ở cương vị lãnh đạo cần phải rút kinh nghiệm thật sự sâu sắc, vấn đề này được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao.
"Càng thêm tin tưởng rằng với thành công của hội nghị lần này và sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng, chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước," nhà báo Nguyễn Anh Tú cho biết.
Khơi dậy khát vọng của nhân dân
Quan tâm đến nội dung định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Phú, phường Đằng Lâm, quận Hải An, chia sẻ trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Cá nhân ông Nguyễn Văn Phú cũng như cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Cảng thực sự rất phấn khởi và tự hào vì dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa đất nước đạt được nhiều thắng lợi to lớn, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hội nhập sâu rộng của đất nước ta trong thời gian vừa qua. Không gian đô thị tại các địa phương trong cả nước được mở rộng. Nhiều dự án quan trọng về hạ tầng giao thông, đô thị đồng bộ, hiện đại được triển khai, các khu đô thị khang trang, các khu công nghiệp hiện đại, thu hút được nhiều công ty, tập đoàn đầu tư nước ngoài..., thực sự khẳng định thương hiệu Việt Nam, sức hút Việt Nam và được nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, những thành tựu trên là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó cũng là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân ta tiếp tục cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, ông Nguyễn Văn Phú đánh giá, do các địa phương phát triển nhanh và do tầm nhìn quy hoạch hạn chế cũng như yếu tố khách quan thay đổi của thế giới mà chúng ta không lường hết được nên còn nhiều bất cập, hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cụ thể, giao thông đô thị một số nơi chưa thực sự đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối và còn chật hẹp, gây ùn tắc giao thông, nhất là lượng ô tô ngày càng nhiều lên sẽ gây áp lực càng lớn cho hệ thống đường giao thông hiện có.
Bên cạnh đó, các địa phương đã có một số khu công nghiệp nhưng chưa đáp ứng được toàn diện yêu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nhất là chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, trong khi chúng ta còn nhiều tiềm năng có thể phát triển được. Tiếp nữa là hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt quy mô, diện tích, hiệu quả.
Từ một số ví dụ trên, ông Nguyễn Văn Phú cho rằng việc xây dựng và từng bước hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia cho từng thời kỳ phải dựa trên nguyên tắc và phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng giải quyết những bất cập, tồn tại như kết cấu hạ tầng giao thông, liên kết vùng; quan tâm đến tính đồng bộ của quy hoạch mang tính khả thi cao./.
Đoàn Minh Huệ / (TTXVN/Vietnam+)