Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao Báo cáo chính trị của Đại hội xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh.
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Ngày 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã chính thức khai mạc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng với 349 đại biểu đại diện cho trên 48.500 đảng viên của 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương.
Với phương châm “Đoàn kết-dân chủ-kỷ cương-đổi mới-phát triển,” Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; xây dựng tỉnh Bình Dương thành trung tâm công nghiệp phát triển, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Xây dựng Bình Dương lên tầm cao mới
Phát biểu tại Đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá sau gần 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng,” Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện, trở thành điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chúc mừng biểu dương những nỗ lực cố gắng, thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đạt được trong nhiệm kỳ qua.
[Bầu bổ sung Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021]
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2015- 2020 đạt 9,35%/năm, bằng 1,4 lần bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng vào năm 2020.
Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đề ra, là địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương cao thứ 3 cả nước. Những kết quả đạt được là tiền đề để Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng đánh giá cao Báo cáo chính trị của Đại hội đã xác định rõ mục tiêu tổng quát phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; thể hiện tầm nhìn xa, khát vọng lớn và quyết tâm cao.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong thời gian tới Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Bình Dương cần chú trọng nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Bình Dương từng bước hình thành khu công nghiệp-đô thị khoa học công nghệ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng lưu ý tại Đại hội các đại biểu phát huy dân chủ về việc thảo luận để quyết định phương hướng, mục tiêu phát triển, thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động nhiệm kỳ 2020-2025, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đóng góp ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hướng tới trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh
Theo ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Đại hội XI của tỉnh đánh dấu bước ngoặt quan trọng đưa tỉnh chuyển sang thời kỳ phát triển mới: Nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam yêu cầu các đại biểu tập trung nghiên cứu để có những ý kiến đóng góp tâm huyết, có chất lượng, góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Từ những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Bình Dương và nhân dân trong tỉnh đã đạt được, cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, hạn chế; từ đó đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi kinh tế, tiếp tục giữ vững ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết kinh tế của Bình Dương trong 5 năm 2015-2020 đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, những tác động tích cực từ thành tựu đổi mới gần 35 năm qua của đất nước và hơn 20 năm tái lập tỉnh là nền tảng giúp Đảng bộ tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị và từng bước phát triển.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020 do tác động của tình hình thế giới, những diễn biến phức tạp, hạn chế nội tại của nền kinh tế, thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch COVID -19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Bình Dương luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ cùng sự chủ động lãnh đạo, điều hành Tỉnh ủy, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của nhân dân và đồng hành trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp... đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Đảng bộ tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và đạt được nhiều thành quả quan trọng và khá toàn diện.
Nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 9,35% năm. Ngành công nghiệp chiếm 66,5% trong cơ cấu cấu kinh tế.
Hiện tỉnh Bình Dương đã xây dựng và phát triển 29 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 84,4%; 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 789,91 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%.
Trong 5 năm qua, tỉnh Bình Dương có tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 535.585 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài được 11,51 tỷ USD, vượt 5 tỷ USD so với nghị quyết đề ra...
Với những kết quả về kinh tế-xã hội đạt được trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Bình Dương tạo được nền tảng vững chắc để tiếp tục đột phá lên tầm cao mới, với khát vọng phát triển cao hơn nữa.
Trong 5 năm tới, Bình Dương xác định tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh.
Tỉnh đổi mới thu hút đầu tư, củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ theo hướng đô thị thông minh.
Bình Dương nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn; tăng cường xây dựng, củng cố vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh-xã hội với quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Mục tiêu lớn của tỉnh Bình Dương hướng tới xây dựng phát triển tỉnh thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh; xây dựng đô thị theo hướng đô thị xanh, bền vững, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường; xác định các không gian, khu vực phát triển đô thị ưu tiên để tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư; chú trọng đảm bảo kết nối và hỗ trợ phát triển giữa hệ thống đô thị trung tâm với hệ thống đô thị vệ tinh; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế đô thị; huy động các nguồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp hiện có và phát triển một số cụm công nghiệp mới, trong đó ưu tiên diện tích đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư mới vào những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, nhất là đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề... đảm bảo phát triển bền vững; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong tỉnh.
Song song đó, tỉnh huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, đảm bảo kết nối thông suốt trong tỉnh và giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai hệ thống giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới./.
Chí Tưởng / (TTXVN/Vietnam+)