Đại hội phấn đấu đến năm 2030 đưa Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Sau 3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, phát huy dân chủ, trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp và bế mạc vào chiều 16/10.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 48 người.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII, các đại biểu đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 người; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 người.
Ông Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020 được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới; ông Lưu Văn Trung và Nguyễn Đình Trung được bầu làm Phó Bí Thư Tỉnh ủy; ông Võ Đình Tín được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Đại hội cũng đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 15 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.
Các kết quả bầu cử theo đúng phương án nhân sự do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020 trình tại Đại hội.
Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông kêu gọi sau Đại hội, các cấp ủy phải tổ chức thật tốt việc nghiên cứu, quán triệt sâu sắc phương hướng, mục tiêu, giải pháp mà Đại hội đã thông qua; tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về kết quả Đại hội; đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến Nghị quyết thành hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước.
Trong chiều 16/10, Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên."
[Infographics] Tân Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh
Đại hội phấn đấu đến năm 2030 đưa Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan.
Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Xây dựng nền văn hóa đặc sắc, người dân có mức sống, thu nhập cao trong vùng Tây Nguyên. Bảo vệ môi trường và cảnh quan bền vững. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại hội cũng đã biểu quyết 13 chỉ tiêu chủ yếu như: tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 7,5-8%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 trên 70 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân trên 15%/năm. Thu ngân sách đạt trên 18,4 ngàn tỷ đồng.
Về kết cấu hạ tầng: tỷ lệ nhựa hóa chung đường tỉnh đạt 73%; tỷ lệ đô thị hóa 33%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện 99%; tỷ lệ bảo đảm nước tưới cho diện tích cần tưới 85%...
Bình quân hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%; riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025...
Nghị quyết của Đại hội cũng đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; xác định năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh Đắk Nông sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy dự án đường cao tốc Tây Nguyên-Thành phố Hồ Chí Minh; kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đường sắt Đắk Nông-Chơn Thành (Bình Phước).
Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương./.
Ngọc Minh-Hưng Thịnh / (TTXVN/Vietnam+)