Tại phiên làm việc sáng 23/9, Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV; lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khóa XV.
Sáng 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững."
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng dự, chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Dự Đại hội có 348 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 86.000 đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh Sơn La.
Vươn lên tầm cao mới
Nhiệm kỳ 2015-2020, tuy còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 5,46%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước của địa phương 5 năm ước đạt 76.787 tỷ đồng, bình quân đạt 15.358 tỷ đồng/năm.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ. Một số dự án giao thông quan trọng được triển khai, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội như tuyến cao tốc Hòa Bình-Sơn La, tuyến tránh thành phố Sơn La; hạ tầng giao thông nông thôn được tăng cường. Thành phố Sơn La đã được công nhận là đô thị loại II; thị trấn Hát Lót và Mộc Châu được công nhận là đô thị loại IV.
Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được đẩy mạnh.
Tỉnh đã có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 21 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận bảo hộ, xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường các nước. Thực hiện chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, đến hết năm 2020, diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh ước đạt 80.515 ha, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2015, lớn thứ hai cả nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới; trong đó thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Công tác ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư các nhà máy thủy điện được quan tâm chỉ đạo; tăng cường các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, ổn định sản xuất, định canh, định cư, giảm nghèo, tạo chuyển biến mới về nhận thức và sản xuất của nhân dân vùng tái định cư.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 18,62% năm 2020; hai huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai được công nhận thoát nghèo.
Công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại được củng cố, tăng cường và mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị đạt những kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Sơn xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên; tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La, xây dựng con người phát triển toàn diện; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Phan Đình Trạc,Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: Nhiệm kỳ qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La với quyết tâm chính trị cao đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện; để lại nhiều dấu ấn rõ rệt về phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề để phát triển nhanh hơn trong nhiệm kỳ mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Nổi bật là kinh tế của tỉnh Sơn La có bước phát triển khá và tương đối toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách phát triển cây ăn quả, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu phát huy tiềm năng, thế mạnh, hình thành được các vùng chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường thiêu thụ.
Một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước. Đây là điểm mạnh, cách làm bài bản, đúng hướng, là dấu ấn nổi bật của Sơn La, tạo sức lan tỏa đến các địa phương khác, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Sơn La đạt những kết quả quan trọng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; nội bộ đoàn kết, thống nhất, xã hội đồng thuận. Tỉnh đã xóa được thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, hoạt động ngày càng đổi mới, hiệu quả.
Cơ bản nhất trí với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và các khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh Sơn La, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ: Với vị trí trung tâm của vùng Tây Bắc, vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong vùng Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng so với các tỉnh trong vùng, nhất là về đất đai, khí hậu, địa hình cho phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo, một dự án trọng điểm về giao thông đang khởi động, triển khai...
Nhưng Sơn La cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, Đại hội hãy đem hết trí tuệ và tâm sức bàn bạc, thảo luận kỹ để đi đến nhất trí cao với mục tiêu "Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc", làm cho mọi người dân đều được "No ấm, đều được biết chữ, đều được hưởng hạnh phục, yên vui" như Bác Hồ đã căn dặn.
Để đạt được mục tiêu đó, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp đối với tỉnh Sơn La cần thực hiện như: Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở đó xác định, làm rõ và phát huy tốt hơn những tiềm năng, thế mạnh, hóa giải có hiệu quả những khó khăn, thách thức để phát triển.
Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, có cơ chế để khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp có lợi thế như phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời ở những địa bàn thích hợp, có hiệu quả.
Sơn La cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu; phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch... của vùng Tây Bắc; hướng tới xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp; chú trọng nâng cao giá trị rừng, gắn bảo vệ và phát triển rừng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu và du lịch.
Tỉnh Sơn La cũng chú trọng phát triển du lịch, tăng cường quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch; phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các giá trị văn hóa; hoàn thiện quy hoạch thu hút đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; đồng thời quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch kết nối lòng hồ thủy điện Hòa Bình-Sơn La-Lai Châu, tạo điểm nhấn, động lực phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh.
Tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, tập trung triển khai xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, tuyến tránh thành phố Sơn La, cảng hàng không Nà Sản; nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông đến các huyện, xã đặc biệt khó khăn; phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I và phấn đấu xây dựng huyện Mộc Châu thành thị xã vào năm 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đặc biệt lưu ý vị trí chiến lược quan trọng của Sơn La trong vùng Tây Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ. Đây là địa bàn có đường biên giới dài, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tội phạm ma túy hoạt động táo bạo...
Do đó, tỉnh cần làm tốt công tác dân vận, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ tuyệt đối an toàn công trình thủy điện Sơn La; quyết liệt và hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là vùng biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Mặt khác, tỉnh Sơn La nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tỉnh tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tại phiên làm việc sáng 23/9, Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV; lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khóa XV.
[Photo] Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV
Nguyễn Cường / (TTXVN/Vietnam+)