Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cấp ủy và chính quyền các địa phương cùng nhân dân cả nước ra sức thi đua, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng.
Bên lề Đại hội XIII của Đảng, phóng viên báo Tin tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Yên Bái, Đắk Lắk về những giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tạo khí thế mới, động lực mới đưa địa phương vững bước đi lên.
Tin tưởng vào sự bứt phá trong nhiệm kỳ mới
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: “Thông qua các Văn kiện của Đảng, nhất là Báo cáo Chính trị trình trước Đại hội XIII của Đảng, tôi nhận thấy các nội dung Báo cáo nêu rất xác đáng. Đoàn đại biểu Điện Biên rất tâm đắc, nhất là những nội dung đề cập về phát triển kinh tế - xã hội, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng như là những nội dung phân tích, đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, tồn tại. Qua đó cho thấy Đảng đã thẳng thắn nhìn thẳng sự thật và cầu thị, tiếp thu những đóng góp có tính xây dựng của nhân dân”.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cũng rất ấn tượng với 5 quan điểm, 5 bài học và 6 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, khi thảo luận, đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên đều thống nhất cao với các nội dung đề ra.
“Sau Đại hội, Điện Biên sẽ triển khai toàn diện, nhằm góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển để đạt được nhiều thành tựu, những kết quả to lớn hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho rằng, cùng với sự vào cuộc hết sức quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị; với những biện pháp, giải pháp có tính đột phá, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ tới, nền kinh tế nước nhà sẽ tiếp tục có những bước bứt phá.
“Thông qua đó xây dựng một Việt Nam hùng cường, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, đời sống của nhân dân chắc chắn sẽ tiếp tục được nâng cao”, đồng chí Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: “Qua theo dõi quá trình tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, tôi nhận thấy không khí rất sôi nổi, khí thế, với một quyết tâm, động lực mới của toàn Đảng, toàn dân để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống với quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng, đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái đã nghiên cứu sâu sắc các văn kiện của Trung ương cũng như thảo luận các biện pháp để sớm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngay sau khi Đại hội kết thúc. Đoàn đại biểu cũng cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương với những chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động của địa phương để đảm bảo sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống và lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Đỗ Đức Duy cho rằng, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong Nghị quyết XIII của Đảng đã đề cập tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong tiến trình đổi mới, không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách, những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
“Chính vì vậy mà trong suốt nhiệm kỳ XII của Đảng đã đặt vấn đề này và đã đưa vào trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về sự phát triển chung của mỗi một địa phương và của đất nước. Chúng tôi rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng, để những người lãnh đạo địa phương tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển đại phương cũng như của đất nước”, đồng chí Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Coi trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trả lời báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng.
Theo đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đối với Tây Nguyên, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng hết sức quan trọng. Cấp ủy và chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn ý thức được điều này.
“Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi phấn đấu nâng độ che phủ rừng từ 38% lên 42% - 44%. Để làm được điều này, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, tích cực trồng rừng; kể cả rừng sản xuất. Cùng với đó là có những quy định rất cụ thể về công tác bảo vệ rừng. Nếu như cán bộ chính quyền địa phương để mất rừng thì bị xử lý ở từng mức độ theo quy định. Đây là điểm mới mà trước đây chưa có”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết.
Cũng theo đồng chí Bùi Văn Cường, bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, phát triển rừng. Vừa qua lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã xử lý một số chủ rừng, đưa ra khởi tố một số trường hợp.
“Rõ ràng đây là những thông điệp rất mạnh mẽ để gắn trách nhiệm, cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cấp ủy, chính quyền. Nếu cán bộ địa phương để xảy ra tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp hay chuyển đổi đất không đúng mục đích hoặc phá rừng, thì sẽ bị cách chức. Qua đó sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ rừng”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho hay.
Được biết, tỉnh Đắk Lắk cũng đang trang bị những thiết bị hiện đại cho lực lượng kiểm lâm để giám sát việc bảo vệ, phát triển rừng. Đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, nếu dùng flycam (các thiết bị bay) để giám sát việc bảo vệ rừng thì sẽ góp phần phát hiện những vụ việc lâm tặc phá hại rừng.
“Rừng rất rộng, lực lượng thì mỏng, nếu không có các thiết bị hiện đại sẽ không thể xác định để xử lý các vụ phá rừng. Hiện nay chúng tôi đang rất quyết liệt bảo vệ rừng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, để kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa cùng sự đi lên của đất nước", Bí thư Tinh rủy Đắk Lắk nhấn mạnh.
Nguyễn Viết Tôn / (Tin Tức/TTXVN)