Chia sẻ với phóng viên, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Bắc Kạn và Đắk Lắk đã cho biết một số kế hoạch triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII tại địa phương.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 1/2, Đại hội XIII của Đảng họp Phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều nội dung quan trọng.
Chia sẻ với phóng viên bên lề Đại hội, với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, quyết tâm nêu cao vai trò gương mẫu, tính tiền phong của cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk đã cho biết một số kế hoạch triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII tại địa phương, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Đánh giá các Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước không chỉ cho 5 năm tới, mà cho cả kỳ chiến lược 2021-2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre cùng các cấp ủy Đảng đã tiếp thu tinh thần này trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Sắp tới, để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Bến Tre đang xây dựng chương trình hành động với 6 nghị quyết chuyên đề, 6 chương trình, 4 đề án và 2 chỉ thị, gắn với triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá và 11 công trình trọng điểm.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa và con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển các chuỗi nông sản chủ lực; chuyển đổi số; phát triển đô thị, công nghiệp chủ lực, du lịch; định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông; thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng-logistics; hoàn thiện hệ thống thủy lợi-cấp nước, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy...
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, hiện Tỉnh ủy Bến Tre đang tập trung lãnh đạo triển khai tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, gắn phát triển các chuỗi nông sản chủ lực với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, đô thị; phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025.
[Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống]
Tỉnh cũng đang tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính vào top 20 cả nước vào năm 2025; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị nguồn vốn để sớm triển khai tuyến giao thông động lực ven biển, mở không gian phát triển của tỉnh về hướng Đông.
Tỉnh tập trung triển khai 11 công trình trọng điểm, gồm: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2; hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cấp nước toàn tỉnh; triển khai ít nhất 500 ha các dự án đô thị; phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao; triển khai ít nhất 1.500 MW điện gió; phát triển 5.000 doanh nghiệp; xây dựng trường đại học thành viên thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thiện đưa vào khai thác Khu công nghiệp Phú Thuận; xây dựng trung tâm cây giống, hoa kiểng; làng văn hóa du lịch Chợ Lách.
Xác định rõ mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ tới, Tỉnh ủy Bến Tre tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, chủ động trong công việc; đồng thời, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đồng thuận, cùng tham gia thực hiện.
Tỉnh cũng xây dựng đề án huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển; trong đó, xác định nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt, huy động các nguồn vốn xã hội khác, đồng thời nghiên cứu các cơ chế thu hút đầu tư phát triển.
Xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ, tương xứng với vị trí và tiềm năng của mình.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. (Ảnh: TTXVN)
Thông tin này được đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết khi chia sẻ về kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại địa phương.
Theo đó, với lộ trình đạt mục tiêu đến năm 2025, phát triển giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định ba trụ cột phát triển, sáu nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Đắk Lắk cơ cấu lại nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, Đắk Lắk quan tâm phát triển du lịch gắn nông nghiệp, sinh thái và văn hóa; tập trung xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch nhất là du lịch chất lượng cao... đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Cường cho biết thêm, địa phương sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo; quan tâm hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến các loại sản phẩm đặc hữu, có thế mạnh của Đắk Lắk, Tây Nguyên.
Tỉnh phát triển năng lượng tái tạo tại các địa bàn có tiềm năng; khẩn trương quy hoạch, xây dựng, hình thành các khu công nghệ cao; ứng dụng mạnh mẽ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các ngành, lĩnh vực gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp; xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo khu vực Tây Nguyên...
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nhấn mạnh, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, địa phương cần củng cố, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, bảo đảm yếu tố nền tảng, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả. Cùng với đó, phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là về giao thông, công nghệ thông tin, cải cách hành chính... góp phần cùng các địa phương khu vực Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
Triển khai Nghị quyết sát với tình hình thực tế
Khẳng định sẽ quán triệt và triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho biết, mặc dù đã tổ chức quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhưng tới đây, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh sẽ điều chỉnh, triển khai bổ sung vào Chương trình hành động để tổ chức thực hiện có hiệu quả và sát với tình hình thực tế của địa phương.
Các Văn kiện trình Đại hội đã đề cập đến việc quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường; bảo đảm phát triển bền vững, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.
Là một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh cho biết, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt vấn đề phải phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là chính.
Được đánh giá là một trong những địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, lên đến gần 73%, đồng thời cũng là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, tỉnh đang chỉ đạo phát triển hài hòa, để vẫn khai thác được lợi thế về tài nguyên, nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Những định hướng, quyết sách cụ thể được xây dựng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng dựa trên thế mạnh của địa phương sẽ là động lực, đòn bẩy để các tỉnh Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk phát huy được tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, nâng cao hơn nữa đời sống của người dân./.
Hoa Vân Phương Diệp / (TTXVN/Vietnam+)