Tập trung nguồn lực, trí tuệ đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo

Trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố Đà Nẵng tập trung xây dựng chính quyền điện tử theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư chung tay xây dựng thành phố thực sự là “thành phố đáng sống”, thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo.
Tap trung nguon luc, tri tue dua thanh pho Da Nang tro thanh do thi khoi nghiep, sang tao hinh anh 1Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021, phóng viên báo Tin tức (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về những định hướng giai đoạn tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Xin đồng chí cho biết mục tiêu trong 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2025) được Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đề ra là gì?

Nhiệm kỳ qua, Đà Nẵng đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và tình hình mưa bão diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, khuyết điểm theo các kết luận của Trung ương. Song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ thành phố, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội.  

Thành phố cũng có những thuận lợi về sự tăng trưởng kinh tế trong 4 năm đầu nhiệm kỳ và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây được xem là những công cụ, định hướng quan trọng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đà Nẵng như tiếp thêm động lực, niềm tin, bước tạo đà cho thành phố phát triển trong thời gian tới.

Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng thống nhất quán triệt và thực hiện xuyên suốt quan điểm phát triển đã được Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định. Đặc biệt là phải phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần tiên phong, đoàn kết, khát vọng phát triển, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của người Đà Nẵng, xem đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đà Nẵng.  

Do vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII xác định rất rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Mục tiêu tổng quát mà Đà Nẵng đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống. Người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố với khối lượng công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tập trung cao độ, khẩn trương thực hiện quyết liệt các giải pháp trong xây dựng Đảng, chính quyền, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế, nhất là tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố sau đại dịch COVID-19, tạo sự ổn định xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo 5 lĩnh vực mũi nhọn về phát triển kinh tế.

Thành phố sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm trên địa bàn, nhằm tạo ra các nguồn lực cho phát triển. Đề xuất Trung ương hình thành Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực tại thành phố Đà Nẵng, có cơ chế đặc thù để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Đà Nẵng là hạt nhân.  

Thành phố sẽ đẩy nhanh triển khai các dự án, công trình trọng điểm, động lực theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 để thúc đẩy tăng trưởng, tạo cơ sở hạ tầng liên kết vùng một cách mạnh mẽ. Đồng thời, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm theo Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng Tây, Tây Bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén hiện đại.

Để tạo sự phát triển bền vững, thành phố sẽ tăng cường đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng, làm nền tảng phát triển bền vững, xây dựng “thành phố đáng sống”. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để tạo sự bứt phá về năng suất lao động và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng lần thứ tư. Đồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Đà Nẵng phải thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện.

Xin đồng chí cho biết để đạt được mục tiêu trên, Đà Nẵng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gì?

Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên thực tiễn của thành phố, Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là:  

Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững.  

Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.  

Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Việc thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá này đồng nghĩa với việc thực hiện thành công giai đoạn đầu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim của mọi cán bộ, đảng viên; là khát vọng chính đáng của mỗi người dân Đà Nẵng hiện nay.

Tap trung nguon luc, tri tue dua thanh pho Da Nang tro thanh do thi khoi nghiep, sang tao hinh anh 2Du khách đi tham quan các điểm du lịch tại Đà Nẵng bằng đường thủy trong dịp Tết Dương lịch 2021. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị?

Từ bài học sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Đà Nẵng đã nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, khắc phục có hiệu quả các sai phạm, khuyết điểm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt thành phố và các cấp. Sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo quy chế mẫu của Trung ương và thực tiễn thành phố.  

Xác định công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu mà Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức. Đề ra giải pháp tiên phong xây dựng chính quyền điện tử theo hướng công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư để họ cùng chung tay xây dựng và phát triển thành phố thực sự là “thành phố đáng sống”, thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung - Tây Nguyên.

Để làm được điều đó, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện tốt, toàn diện các mặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với đủ 10 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.  

Đổi mới phương thức lãnh đạo; giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung kiểm tra, giám sát ở những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm. Mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở; vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư tại các dự án lớn, trọng điểm.

Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, tinh gọn; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Triển khai mô hình tổ chức chính quyền đô thị gắn với lãnh đạo tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.  

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính, cơ quan chuyên môn tinh gọn, giảm đầu mối, cấp trung gian, gắn với tinh giản biên chế, phân cấp, giao quyền, tăng cường trách nhiệm. Rà soát các đơn vị hành chính chưa đạt 50% tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên để tổ chức lại phù hợp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu hoàn thiện nền tảng mô hình thành phố thông minh, chính quyền số.  

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội; thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp để áp dụng mô hình chính quyền đô thị đảm bảo sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới?

Triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, thành phố sẽ tiến hành việc tổ chức lại bộ máy và đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị tại các quận, phường khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị (quận, phường là 2 cấp hành chính). Trên thực tế, đây là mô hình mà thành phố Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009 - 2016 và tổng kết thí điểm cho thấy công tác chỉ đạo điều hành quản lý hành chính của UBND từ cấp thành phố đến quận, phường được xuyên suốt, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người dân thành phố.

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành đồng bộ, kịp thời, sửa đổi và bổ sung những quy định về mối quan hệ công tác và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền thành phố, quận và phường theo mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Vai trò của HĐND và mỗi đại biểu HĐND thành phố tiếp tục được củng cố, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, các đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ thực hiện vai trò giám sát, chức năng đại diện cho cử tri thành phố. Việc thực hành quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở và thông qua vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương. Đặc biệt là nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thành phố sẽ đổi mới, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân thành phố, theo hướng tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của UBND các cấp theo mô hình chính quyền đô thị.

Đề cao trách nhiệm, vai trò của chủ tịch UBND cấp quận, phường về mọi mặt công tác theo quy định của pháp luật, cả về công tác nhân sự khi UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu hoàn thiện nền tảng mô hình thành phố thông minh, hình thành chính quyền số, góp phần minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư!

Tin tức khác

Người dân bày tỏ niềm tin, sự phấn khởi với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, các tầng lớp nhân dân bày tỏ niềm hứng khởi với những thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng sẽ đưa đất nước phát triển sánh vai cường quốc năm châu, xây dựng đất nước trong đó người dân là trung tâm của sự phát triển.