Đại hội Đảng V: Bước chuyển quan trọng trong tư duy

Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V (tháng 6/1985) đã quyết định bước chuyển quan trọng trong tư duy của Đảng về xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán kinh tế kinh doanh XHCN.
Dai hoi Dang V: Buoc chuyen quan trong trong tu duy hinh anh 1

ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ V

Thời gian: 27 đến 31/3/1982

Địa điểm: Thủ đô Hà Nội

Số lượng đại biểu tham dự Đại hội: 1.033

Số lượng đảng viên trong nước: Hơn 1,72 triệu

Có 47 đoàn đại biểu quốc tế đến dự

Đại hội bầu:

- Tổng Bí thư: Đồng chí Lê Duẩn

- Ban Chấp hành Trung ương: 116 Ủy viên chính thức và 36 Ủy viên dự khuyết

- Bộ Chính trị: 13 Ủy viên chính thức và 02 Ủy viên dự khuyết

BỐI CẢNH CHUNG:

- Tình hình kinh tế-xã hội Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu gặp khó khăn, từng bước lâm vào khủng hoảng.

Đường lối cải cách kinh tế-xã hội ở Trung Quốc (từ năm 1978) bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Ở Đông Nam Á, các thế lực phản động quốc tế tăng cường tìm cách can thiệp nhằm chi phối, tạo ảnh hưởng. Đặc biệt là tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam.

- Việt Nam đang ở trong tình thế vừa có hoà bình vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh  phá hoại nhiều mặt... đồng thời, phải sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam.

XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Đại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều báo cáo quan trọng khác. Đại hội đã chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của khó khăn, yếu kém. Đại hội đã thẳng thắn nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc nắm và hiểu tình hình thực tế, việc cụ thể hóa đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có những khuyết điểm, sai lầm. Chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên CNXH từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách...

Trên cơ sở đó, Ðại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội từ năm 1981 đến năm 1985 và những năm 80; khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Ðại hội lần thứ IV của Ðảng đã vạch ra.

Ðại hội xác định: Những năm 1981-1985 là những năm phát triển thêm một bước, sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân.

Ba mặt đó kết hợp chặt chẽ với nhau, nhằm cơ bản ổn định được tình hình kinh tế và xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất của đời sống nhân dân, giảm nhẹ những chỗ mất cân đối nghiêm trọng nhất của nền kinh tế, khắc phục một bước quan trọng tình trạng không bình thường về phân phối, lưu thông, tăng thêm tiền đề và điều kiện để tiến lên mạnh mẽ và vững chắc hơn trong những năm sau.

Trên cơ sở đó, Đại hội vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội từ năm 1981 đến 1985, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại hội thông qua:

+ Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1981-1985 và những năm 80 của thế kỷ XX;

+ Nghị quyết về xây dựng Đảng;

+ Bổ sung Điều lệ Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương và đồng chí Lê Duẩn được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 10/7/1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14/7/1986, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

SỰ KIỆN TRONG NƯỚC

- 1/5/1981:  Tại Viêng Chăn (Lào), Đoàn đại biểu cao cấp Đảng, Nhà nước Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã trao Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

- 19/6/1981:  Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô (Vietsovpetro) được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

- 27/11/1981: Hội đồng Nhà nước quyết định phê chuẩn Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Công ước này được LHQ thông qua ngày 18/12/1979)

- 18/1/1982: Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công bộ sách trắng nhan đề: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - lãnh thổ của Việt Nam”.

- 3/1982: Khánh thành Nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài.

- 7/7/1982: Ký Hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Campuchia.

- 28/9/1982: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

- 9/12/1982: Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và Quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Đến ngày 28/12/1982, Quốc hội quyết định chuyển huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai sang thuộc tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa).

SỰ KIỆN QUỐC TẾ

- 20/1/1981: Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ

- 14/4/1981: Tàu vũ trụ con thoi đầu tiên của Mỹ mang tên Colombia hạ cánh an toàn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của khoa học du hành vũ trụ.

- 16/7/1981: Mahathir bin Mohamad nhậm chức Thủ tướng Liên bang Malaysia

- 12/8/1981: IBM công bố máy tính IBM Personal Computer 5150, mở ra khái niệm mới, khái niệm về máy tính cá nhân.

- 6/10/1981: Tổng thống Ai Cập Sadat bị ám sát

- 25/3/1982: Canada thông qua Hiến pháp, sau khi giành được độc lập hoàn toàn từ Anh.

- 6/6/1982: Israel tấn công Liban

- 19/8/1982: Svetlana Savitskaya trở thành người phụ nữ Nga thứ hai bay vào không gian trên tàu vũ trụ Soyuz T-7 cùng với hai phi hành gia.

- 5/11/1982: Khánh thành đập thủy điện Itaipu. Đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới lúc bấy giờ và là biểu tượng cho sự hợp tác của 2 nước láng giềng Brazil và Paraguay.

- 10/11/1982: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. Brezhnev từ trần (1905-1982)

-12/11/1982: Đồng chí Iu.V.Andropov được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên Xô.

- 10/12/1982: Ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Công ước về Luật biển đã được 107 quốc gia thông qua tại Montego Bay (Jamaica).

Tin tức khác