Đại hội Đảng X: Thay đổi trong nhận thức và tư duy

Đại hội Đảng X khẳng định những bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng sau 20 năm đổi mới, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam
Dai hoi Dang X: Thay doi trong nhan thuc va tu duy hinh anh 1

ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ X

Thời gian: 18 đến 25/4/2006

Địa điểm: Thủ đô Hà Nội

Số lượng đại biểu tham dự ĐH: 1.176 đại biểu

Số lượng đảng viên trong nước: 3,1 triệu

Đại hội bầu:

 - Tổng Bí thư: Đồng chí Nông Đức Mạnh

 - Ban Chấp hành Trung ương: 160 Ủy viên chính thức và 21 Ủy viên dự khuyết.

- Bộ Chính trị: 14 Ủy viên

BỐI CẢNH CHUNG

- Toàn cầu hoá kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

- Cạnh tranh kinh tế-thương mại giữa các nước ngày càng gay gắt.

- Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp.

- Ở trong nước, sau 20 năm đổi mới (1986-2006), thế và lực nước ta ngày càng lớn mạnh. Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững môi trường hoà bình tạo thêm nhiều thuận lợi cho nhân dân ta đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ nhanh hơn.

Tuy nhiên, nước ta đứng trước nhiều thách thức lớn: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", gây bạo loạn lật đổ, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN TỘC, SỚM ĐƯA NƯỚC TA RA KHỎI TÌNH TRẠNG KÉM PHÁT TRIỂN

Đại hội kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, nhìn lại 20 năm đổi mới, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng.

Báo cáo Chính trị được Đại hội thông qua với tiêu đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Đại hội khẳng định: Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Đại hội thông qua mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2006-2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội bầu BCH Trung ương gồm 160 đồng chí Ủy viên chính thức và 21 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nông Đức Mạnh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

SỰ KIỆN TRONG NƯỚC

- 20-25/6/2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Thủ tướng nước ta đến Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh và 10 năm hai nước bình thường hóa quan hệ.

- 25/11/2005: UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên  là Di sản kiệt tác truyền khẩu và văn hóa Phi vật thể của nhân loại.

- 29/11/2005: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI.

Hai luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/6/2006.

- 28/11/2005: Khởi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Sau hơn 5 năm, 6/1/2011, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khánh thành.

- 2/12/2005: Khởi công Thủy điện Sơn La

   Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23/12/2012, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á tại thời điểm đó.

- Năm 2005: Hai cuốn Nhật ký của các Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc được công bố và xuất bản. 

- 7/11/2006: Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau 11 năm đàm phán.

- 12-19/11/2006: Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC-14 (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14)

- 8 và 9/12/2006: Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR), đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương.

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đã đạt con số kỷ lục trên 10 tỷ USD. Đây là mức thu hút FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997, cho thấy Việt Nam thực sự trở thành điểm đến hứa hẹn của nhiều nhà đầu tư lớn.

SỰ KIỆN QUỐC TẾ

- 20/1/2005: Tổng thống Mỹ George W.Bush nhậm chức nhiệm kỳ 2.

- 18/1/2005: Tập đoàn Airbus chính thức giới thiệu loại máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380.

- 16/02/2005: Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chính thức có hiệu lực đầy đủ và toàn diện.

- 9/3/2005: Ông Thaksin Shinawatra được bầu làm Thủ tướng Thái Lan nhiệm kỳ hai.

Hơn 1 năm sau, ngày 19/9/2006, đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

- 2/4/2005: Giáo Hoàng John Paul II qua đời. Giáo Chủ Benedict XVI được bầu làm Giáo Hoàng mới của Vatican.

- 7/7/2005: Các vụ đánh bom vào hệ vào hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt ở London, Anh, làm 52 người thiệt mạng gần 800 người bị thương.

 - 22/11/2005: Bà Angela Merkel được Quốc hội Đức phê chuẩn làm Thủ tướng, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức.

- Cuối 2005: Dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh và lan rộng khắp các châu lục.

- 1/2/2006: 7 tờ báo ở Pháp, Đức, Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha đăng lại một vài bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, vốn xuất hiện đầu tiên trên báo của Đan Mạch vào tháng 1/2006, gây ra một làn sóng phẫn nộ dữ dội trong thế giới Hồi giáo trên khắp thế giới.

- 27/5/2006: Động đất 6,3 độ tại Java, Indonesia khiến 5.800 người chết và 45.000 người bị thương.

- 1/8/2006: Chủ tịch Cuba Fidel Castro lâm trọng bệnh và tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó Chủ tịch Raul Castro.

- 9/10/2006: Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân, gây chấn động dư luận và khiến các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc.

- 13/10/2006: Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon được bầu làm Tổng Thư ký thứ 8 của Liên hợp quốc.

- 5/11/2006: Tòa án đặc biệt Iraq tuyên án tử hình cựu Tổng thống Saddam Hussein.

 

Tin tức khác